Doanh nghiệp tư nhân chưa chuyển mình mạnh mẽ

Theo daibieunhandan.vn

Từ năm 2010 - 2018, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khối doanh nghiệp tư nhân tuy có tăng nhưng vẫn không vượt quá 10% GDP (9,1%). Điều này cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Thực sự khó khăn

Ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Doanh nghiệp tư nhân chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 - 2018, tỷ trọng giá trị tăng thêm trong GDP của khối doanh nghiệp tư nhân tuy có tăng nhưng vẫn không vượt quá 10% (9,1%). Điều này cho thấy khối doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Trong khi tỷ trọng khu vực doanh nghiệp tư nhân trong GDP chỉ tăng 2,2 điểm phần trăm thì tỷ trọng khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm trong GDP từ 2010 - 2018 tăng 5,13 điểm phần trăm. Điều này một phần do trong số doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, chưa tới 80% có kết quả sản xuất kinh doanh (năm 2017 là 77%, năm 2018 là 78%).

Nhưng nếu xét về các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có lãi so với tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thì tỷ lệ này thấp một cách đáng quan ngại và đang có xu hướng ngày càng thấp đi; đáng chú ý, khu vực ngoài nhà nước(1) là thấp nhất trong 3 loại hình doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước và FDI.

Đáng ngạc nhiên là khu vực FDI được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, tiếp cận đất đai, hành xử của cơ quan công quyền nhưng chỉ 51% doanh nghiệp làm ăn có lãi. Đây phải chăng là một trong những dấu hiệu cho thấy có hiện tượng chuyển giá nhằm biến lãi thành lỗ, trong khi doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực sự gặp khó khăn?

Doanh nghiệp tư nhân chưa chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 1

 

Mới đây, Tổng cục Thống kê phát hiện bỏ sót 76.000 doanh nghiệp, nhân đây cũng cần công bố: Trong 76.000 doanh nghiệp này, bao nhiêu phần trăm doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh và trong số doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh thì bao nhiêu phần trăm có lãi?

Để chống lại chuyển giá, có thể hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các loại hình doanh nghiệp. Điều này không chỉ phần nào chống lại sự chuyển giá của các doanh nghiệp thuộc khối FDI mà còn tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp nội. Tuy nhiên, cần có ưu tiên nhất định cho những doanh nghiệp thuộc các ngành có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đến giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm cao.

Theo nghiên cứu về chỉ số lan tỏa và độ nhạy qua bảng cân đối liên ngành cho thấy nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản và nhóm ngành chế biến sản phẩm nông nghiệp đáp ứng các điều kiện này. Tuy nhiên nếu định hướng chính sách là tăng trưởng bền vững thì điều kiện để ưu đãi thuế là vấn đề phát thải gây ô nhiễm. Cùng với đó, cần có sự minh bạch, công bằng trong các loại hình doanh nghiệp và trong báo cáo về ngân sách hàng năm.

Tỷ suất lợi nhuận thấp nhất

Cũng từ số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ suất lợi nhuận trên vốn bình quân chung cả nước rất thấp, cụ thể trong giai đoạn 2011 - 2015 là 2,43 lần; năm 2016 là 2,53 lần và 2017 là 2,66 lần. Trong đó, thấp nhất là khu vực ngoài nhà nước (lần lượt là 1,08 lần giai đoạn 2011 - 2015; 1,25 lần năm 2016; 1,67 lần năm 2017) và mặc dù có xu hướng tăng nhưng chưa được 2%.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp hơn lãi suất tiền gửi khá nhiều, trong khi đến năm 2017 cứ có 100 đồng vốn thì 72% là nợ phải trả, riêng doanh nghiệp nhà nước có 100 đồng vốn đến hơn 80% là nợ phải trả. Tình trạng này nếu kéo dài, nguy cơ vỡ nợ không phải là không có.

Doanh nghiệp thuộc khối FDI có tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao nhất (lần lượt là 5,4; 6,44; 6,43 lần), thực tế có thể còn cao hơn. Như vậy trong 3 loại hình doanh nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước và FDI, chỉ khu vực FDI có mức lợi nhuận trước thuế cao nhất (thực tế cao hơn nữa), nhưng trớ trêu là hầu như phía Việt Nam không được gì từ khu vực này (năm 2018 số liệu ước tính cho thấy chi trả sở hữu ra nước ngoài khoảng 18 tỷ USD).

Doanh nghiệp tư nhân chưa chuyển mình mạnh mẽ - Ảnh 2

Về tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và giá trị tăng thêm(2) (xem bảng 2) của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tuy có xu hướng tăng nhưng luôn thấp nhất trong các loại hình sở hữu, trong khi khu vực FDI có tỷ suất lợi nhuận trên vốn, trên doanh thu thuần và tỷ trọng giá trị tăng thêm trên doanh thu thuần cao nhất.

Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ giá trị tăng thêm so với doanh thu thuần quá thấp, điều này có nghĩa tỷ lệ chi phí trung gian so với doanh thu thuần xấp xỉ 90%, nếu tính theo giá trị sản xuất tỷ lệ chi phí trung gian còn cao hơn nữa(3), đồng nghĩa với tỷ trọng giá trị tăng thêm nhỏ nữa. Với tỷ lệ này có thể thấy nền kinh tế cơ bản là gia công hoặc hiệu quả sản xuất rất kém. Khi nền kinh tế hầu như là gia công thì bàn đến năng suất làm gì?

__________________

1. Doanh nghiệp ngoài nhà nước trong sách trắng của Tổng cục Thống kê chính là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong website của Tổng cục Thống kê

2. Giá trị tăng thêm theo giá cơ bản tính từ số liệu điều tra doanh nghiệp bao gồm thu nhập của người lao động và thu nhập trước thuế

3. Giá trị sản xuất = doanh thu thuần + chênh lệch sản phẩm dở dang và tồn kho giữa cuối kỳ và đầu kỳ báo cáo