Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Hoa Sơn

Trong năm 2021, Chính phủ sẽ tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Triển khai nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa.

Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng vùng miền gắn với phát triển kinh tế nông thôn và bảo đảm đời sống của nông dân, người làm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải theo hướng tăng thị phần các phương thức vận tải đường thủy nội địa và đường sắt; chú trọng phát triển vận tải đa phương thức; nâng cao năng lực và giảm chi phí dịch vụ logistics. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Phát triển thị trường thông tin và truyền thông bền vững; tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Chính phủ cũng yêu cầu tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Tập trung hoàn thành và nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt các dự án quy mô lớn. Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém: củng cố, chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện. Xây dựng và áp dụng khung quản trị doanh nghiệp phù hợp với chuẩn mực quốc tế tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án ngành công thương.

Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,... đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật. Từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu nền tảng, cốt lõi của Chính phủ điện tử; đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Tiếp tục tái cấu trúc quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và đẩy mạnh tích hợp dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia....

Cũng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, sẽ phát triển mạnh và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Lựa chọn, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điển hình, có quy mô phù hợp, hiệu quả. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kết hợp hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và lớn, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, hỗ trợ phù hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa để khai thác thị trường nội địa và tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ xác định, trong năm 2021, các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng, giao tiếp xã hội, khoa học công nghệ... vừa là thời cơ, vừa là thách thức.

Bối cảnh này đòi hỏi cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.