Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động lớn đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Cuộc cách mạng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các lĩnh vực, ngành nghề và các thành phần kinh tế, trong đó, có khu vực kinh tế tư nhân.
Khu vực kinh tế tư nhân là nhân tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây. Chính vì vậy, cần phát triển kinh tế tư nhân phù hợp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thành phần kinh tế này, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Một số nét chính về kinh tế tư nhân
Kinh tế tư nhân là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế của cả nước. Vai trò của kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế quốc gia là không thể phủ nhận. Năm 2017, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Năm 2018, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 43,3% vào tăng trưởng GDP. Năm 2019, đóng góp của khu vực tư nhân tiếp tục tăng lên, chiếm 46% tổng GDP. Kinh tế tư nhân phát triển cả về chất, lượng và quy mô, tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Kinh tế tư nhân có được sự phát triển mạnh mẽ vượt trội như hiện nay là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực cống hiến của các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp (DN) tư nhân... Từ Đại hội VI, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc Đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần.
Đến Đại hội VII, đặc biệt từ Hội nghị Trung ương 2 khóa VII (năm 1992), kinh tế tư nhân đã được coi trọng và khuyến khích phát triển “không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những lĩnh vực mà pháp luật không cấm”. Kể từ đó, qua các Đại hội IX, X, XI, XII, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục nhiều lần được đưa ra thảo luận.
Chủ trương “Hoàn thiện cơ chế chính sách tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trởthành một động lực quan trọng của nền kinh tế” đã được chỉ rõ. Hàng loạt cơ chế, chính sách ra đời đã tạo điều kiện khuyến khích, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội; mang đến nhiều cơ hội cho nền kinh tế nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Trong bối cảnh mới với những thay đổi to lớn do ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 với phạm vi tác động trên toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân góp phần vào ổn định và tăng trưởng kinh tế quốc gia, cần nhận diện rõ những cơ hội, thách thức và những giải pháp hợp lý.
Cơ hội thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân
Với sự quan tâm tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ và các cơ quan chính quyền địa phương, khu vực kinh tế tư nhân có nhiều thuận lợi để phát triển. Đồng thời, Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Thứ nhất, những tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại đã tạo tiền đề tốt cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến. Không thể phủ nhận vai trò của Internet, Internet vạn vật (Internet of Things), lưu trữ dữ liệu quy mô lớn (Big Data), điện toán đám mây, việc phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối trên toàn thế giới… trong việc hiện đại hóa công cuộc phát triển kinh tế.
Những tác động tích cực của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế toàn cầu giúp khu vực tư nhân mở rộng phạm vi hoạt động, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiết kiệm thời gian, nhân lực trong các hoạt động của mình. Với thời đại mở về công nghệ số hiện đại, các DN tư nhân có thể thu thập được các thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, những thay đổi tích cực về khoa học với nền tảng công nghệ số, tích hợp các công nghệ thông minh giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, quy trình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ, phương thức sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho DN tư nhân.
Thứ hai, sự bùng nổ về khoa học, công nghệ và hội nhập toàn cầu đã mang lại nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Bối cảnh hiện tại sẽ giúp các hoạt động kinh tế không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý. Phạm vi công việc và lĩnh vực hoạt động của các cá nhân, các DN được mở rộng. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên đơn giản, hiệu quả hơn, khiến các chi phí thương mại sẽ giảm xuống. DN tư nhân sẽ có thể giảm được chi phí đầu vào một cách đáng kể đồng thời gia tăng đầu ra nhờ việc mở rộng phạm vi hoạt động.
Thứ ba, những thay đổi lớn trong bối cảnh hiện tại sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, giữa các DN, các nhân trong nền kinh tế. Yếu tố cạnh tranh là cần thiết để góp phần thúc đẩy các cá nhân, tổ chức, DN phải luôn nỗ lực hết mình để có thể tồn tại và phát triển. Chính điều này giúp tăng năng lực cạnh tranh của DN thông qua tăng năng suất, sản lượng, chất lượng và giảm chi phí; Khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và sản phẩm mới; Thúc đẩy thương mại điện tử và hình thành các mô hình kinh doanh mới, cải thiện hiệu quả và tạo ra các loại hình doanh thu mới…
Việc nhận thức được những thay đổi và yêu cầu của thời đại mới sẽ tác động đến nhận thức và hành động của mỗi DN, cá nhân, khuyến khích các cá nhân nỗ lực học tập nâng cao trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng những tiến bộ về kỹ thuật trong công tác chuyên môn, từ đó nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc.
Một số khó khăn, thách thức
Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển thì khu vực này cũng đang gặp không ít khó khăn và thách thức. Đặc biệt, dịch Covid-19 với phạm vi ảnh hưởng trên khắp thế giới, dẫn đến nhiều hệ lụy cho nền kinh tế nói chung.
Nằm trong ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN tư nhân được thành lập với cơ chế khuyến khích của Nhà nước, tuy nhiên chưa có đủ vốn, phương thức kinh doanh hiệu quả. Điều này dẫn đến nhiều DN kinh doanh thua lỗ, phải tạm ngừng kinh doanh hoặc thậm chí là giải thể, phá sản…
Theo dữ liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh ngắn hạn trong 8 tháng đầu năm 2020 là 34.288 DN, tăng 70,8% với cùng kỳ năm 2019. Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng các DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.
Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống trong thời gian trên có đến 1.918 DN đăng ký tạm rời thị trường, tăng 89,7% so với cùng kỳ. Đối với lĩnh vực dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có đến 1.927 DN tạm ngừng, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hay đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có đến 2.015 DN tạm rời thị trường, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bối cảnh hiện tại đang đặt ra thách thức lớn, khiến những DN tư nhân muốn tồn tại và phát triển cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, hiện nay, nhiều DN tư nhân trong nước còn chưa thích ứng được với những đổi mới. Nhiều DN tư nhân còn rất bị động với các xu thế mới, không thấy được liên quan của các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực của mình, không sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng...
Giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh mới
Bối cảnh hiện tại đã và đang đặt ra yêu cầu đối với nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng là phải có những giải pháp kịp thời để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Để tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua những thách thức, khó khăn góp phần đẩy mạnh kinh tế tư nhân, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, năng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước trong phát triển kinh tế đất nước. Cần có sự thống nhất nhận thức, tư tưởng và hành động trong việc triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản quy định về các chương trình, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Hai là, cần tăng cường các chính sách tài chính hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, nâng mức trích Quỹ Phát triển Khoa học và công nghệ trong DN. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần khuyến khích, thực đẩy các DN tư nhân đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ từ đó góp phần tăng cao nâng suất lao động và thích ứng với những thay đổi của bối cảnh mới. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các cơ sở khoa học, các nhà quản lý, các nhà khoa học liên kết với DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho các DN và chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho DN.
Ba là, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân. Để làm được điều này trước hết cần bảo đảm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Song song với việc đó, nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân phát triển. Đồng thời, mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng.
Bốn là, tăng cường đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là giao thông, đô thị, cấp thoát nước, thuỷ lợi, xử lý chất thải bảo vệ môi trường...; Tạo mọi khả năng để các DN tư nhân dễ dàng tiếp cận với các nguồn lực phát triển như: Tài chính, đất đai, công nghệ, nhân lực…
Năm là, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới và nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý nhà nước đối với nền kinh tế; Xây dựng bộ máy nhà nước và các thủ tục hành chính gọn nhẹ, thuận tiện, công chức phải có trình độ chuyên môn cao, có khả năng tiếp cận khoa học, công nghệ và có thái độ phục vụ nhân dân hết mình.
Sáu là, có những chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời những cá nhân, đơn vị chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dịch bệnh và thiên tai; Hỗ trợ người dân, DN khôi phục lại kinh tế sau những khó khăn, mất mát. Các chính sách, chương trình cần nhanh chóng, kịp thời và tổ chức có hiệu quả.
Tóm lại, những thay đổi về kinh tế xã hội hiện nay đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế cần chủ động nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển phù hợp để nắm bắt, tận dụng được cơ hội và vượt qua những khó khăn, thách thức. Cần có sự thống nhất và quyết tâm đổi mới của toàn Đảng, toàn dân, các DN tư nhân, các cá nhân trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận, thích ứng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của cuộc cách mạng số.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thống kê (2020), Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý IV và năm 2019;
2. Nguyễn Thị Hường, Hoàng Thị Hải Yến (2019), Phát triển kinh tế tư nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí Tài chính;
3. Trịnh Đức Chiều (2020), Kinh tế tư nhân Việt Nam: Động lực phát triển và những kỳ vọng mới, Tạp chí Tài chính;
4. http://thoibaotaichinhvietnam.vn, tapchitaichinh.vn...