Chủ động điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp


Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kịp thời miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp về tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó có phương án tương ứng về điều hành NSNN.

Bộ Tài chính cũng có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN, với những giải pháp đồng bộ, tích cực, vừa chủ động nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, ổn định đời sống nhân dân, vừa đảm bảo cân đối ngân sách các cấp ở địa phương.

Cụ thể, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu NSNN. Đồng thời, đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát để miễn, giảm các khoản phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nổi bật trong số đó phải kể đến như: giảm 70% mức thu lệ phí đăng ký DN; giảm 67% mức phí công bố thông tin DN; giảm từ 50-70% phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn, giảm. Trong đó, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng...

Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2020, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan khẩn trương triển khai các giải pháp thu ngân sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Thống kê cho thấy, trong năm 2020, cơ quan Thuế đã thực hiện 79,6 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra 737,6 nghìn hồ sơ khai thuế; qua đó kiến nghị xử lý tài chính trên 69 nghìn tỷ đồng, kiến nghị thu nộp ngân sách 19,1 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 11,1 nghìn tỷ đồng), kiến nghị xử phạt hành chính 5,5 nghìn tỷ đồng, giảm lỗ và giảm khấu trừ 47,8 nghìn tỷ đồng; tích cực thu hồi 25,5 nghìn tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang; xử lý khoanh nợ tiền thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội khoảng 13,8 nghìn tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 2,2 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý thu vào NSNN 1,6 nghìn tỷ đồng (đã thu nộp 1,5 nghìn tỷ đồng); chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ gần 15 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào NSNN 486 tỷ đồng...

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ tài chính NSNN năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bằng các biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt nêu trên, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế khác, đã cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với thế giới và khu vực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Qua đó, thu NSNN cũng đạt cao hơn so với đánh giá báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10,11/2020).

Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán (giảm 31,9 nghìn tỷ đồng), tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP, huy động từ thuế và phí đạt khoảng 19,1% GDP. Tính chung cả giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra (100,4%), mức rất tích cực trong điều kiện thu NSNN năm 2020 khó khăn, tăng trưởng kinh tế thấp hơn rất nhiều so dự kiến...

Điều hành chi NSNN gắn với sử dụng kinh phí ngân sách tiết kiệm, hiệu quả

Bộ Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện dự toán chi NSNN năm 2020, trong đó yêu cầu chặt chẽ về thời gian phân bổ, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, đảm bảo phù hợp với thực tế, triệt để tiết kiệm và phát huy hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách.

Trong điều hành đã tăng cường công tác thanh tra tài chính - ngân sách, công tác kiểm soát chi NSNN, qua đó phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các sai phạm. Năm 2020, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ngân sách khoảng 941,4 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên, 462,9 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển; từ chối thanh toán 51,9 tỷ đồng do chưa đủ hồ sơ thủ tục theo quy định...

Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cân đối NSNN khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động trình cấp thẩm quyền cho phép thực hiện những biện pháp, như: yêu cầu tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020; chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với nhà nước và người lao động.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các địa phương chủ động điều hành ngân sách địa phương, trường hợp hụt thu thì phải chủ động sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính, tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn hợp pháp khác và cắt giảm các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao.

Nhờ chủ động trong điều hành, chi NSNN năm 2020 đã hoàn thành mục tiêu đề ra, với tổng số chi ngân sách ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn. NSNN đã chi trên 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19.

Ngân sách trung ương đã sử dụng khoảng 12,4 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh; xuất cấp gần 37 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Các địa phương cũng chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương và nguồn lực tại chỗ để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương...

Một điểm sáng khác trong tổ chức thực hiện chi ngân sách năm 2020 là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so với năm trước, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, sửa đổi cơ chế kiểm soát thanh toán vốn đầu tư từ tiền kiểm sang hậu kiểm, rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn tối đa 4 ngày, đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy giải ngân vốn; tổ chức giao ban trực tuyến thường xuyên với các bộ và địa phương để nhận diện những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh giải ngân các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài...

Với kết quả thu, chi ngân sách nêu trên, bội chi NSNN năm 2020 ước khoảng 248,5 nghìn tỷ đồng, dưới 4% GDP ước thực hiện (dự toán 3,44% GDP). Tính chung 5 năm giai đoạn 2016-2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,6%GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội.