Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại những tháng cuối năm

PV.

(Tài chính) Thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên nhiều địa bàn, với thủ đoạn tinh vi.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra tang vật một vụ nhập lậu tiền. Nguồn: baohaiquan.vn
Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài kiểm tra tang vật một vụ nhập lậu tiền. Nguồn: baohaiquan.vn

“Nóng” những tháng cuối năm

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, song tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn ra phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi, đặc biệt vào thời điểm những tháng cuối năm. Chỉ riêng nửa đầu tháng 11 này, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ hàng loạt vụ buôn lậu.

Theo đó, tình trạng buôn lậu không chỉ diễn ra tại các cửa khẩu với các hình thức chủ yếu như lợi dụng chính sách miễn thuế hàng hóa ở khu kinh tế cửa khẩu để vận chuyển khối lượng lớn vào nội địa mà không khai báo hải quan, mà ngay tại các thành phố, trung tâm kinh tế lớn cũng diễn biến rất phức tạp. Chẳng hạn như trên địa bàn TP. Hà Nội, cơ quan Công an đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển hàng lậu với số lượng lớn từ các tỉnh về Hà Nội như vụ ngày 4/11, tại cầu Phú Thụy, huyện Gia Lâm, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Gia Lâm phát hiện đối tượng Vũ Thị Phương Hoa (Hà Nội) đang vận chuyển lô hàng gồm 385 chiếc điện thoại di động mang các nhãn hiệu Iphone 5, Iphone 4, Samsung... Trước đó, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Gia Lâm cũng đã phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Nhung (Hà Nội) đang vận chuyển lô hàng gồm 46 chiếc Iphone 4 và Iphone 5, 5S. Tiếp đó, ngày 5/11/2014, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện và bắt giữ hàng trăm chai rượu ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ và tem mác nhập khẩu. Tổng số hàng lên tới 166 chai rượu bao gồm các hãng: Jonnie Walker, Gold Label…

Đối với tuyến hàng không, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn, gây ra không ít khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu. Theo thống kê của Hải quan TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2014, các lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã bắt giữ 14 vụ vận chuyển trái phép chất ma túy và tiền chất, thu giữ 7,7 kg heroin, 13 kg cocain, 4 kg ma túy đá và 40 kg tiền chất ma túy. Trị giá ước tính của số ma túy bị thu giữ ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để vận chuyển ma túy, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức cất giấu tinh vi, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Đối với hàng giả hàng nhái, trong thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các địa phương triển khai nhiều hoạt động quyết liệt phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lậu thương mại. Đồng thời, Cục Quản lý thị trường đã trực tiếp thành lập đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tại địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh...; kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh mũ bảo hiểm; Kiểm tra về an toàn thực phẩm… Được biết, mỗi năm Cục Quản lý thị trường xử phạt hàng trăm ngàn vụ. Riêng trên địa bàn TP.Hà Nội, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 866 vụ hàng giả, phạt tiền 5,42 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với thực tế đang diễn ra.

Đóng góp chung vào cuộc chiến chống buôn lậu và gian lận thương mại phải kể đến nỗ lực đáng khen ngợi của ngành Hải quan. Ngay từ đầu năm 2013, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Hải quan triển khai quyết liệt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại tập trung vào những lĩnh vực nghi vấn dễ bị các đối tượng lợi dụng vi phạm với quyết tâm chống buôn lậu góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh chính trị, chống thất thu cho ngân sách nhà nước. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2013 đến hết tháng 10/2014, lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 37.399 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính trên 946 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách nhà nước đạt 246 tỷ 448 triệu đồng, khởi tố 49 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố 87 vụ.

Còn nhiều việc phải làm

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu thương mại, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển… nhất là các địa bàn trọng điểm tại các địa phương: Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Lại Châu, Điện Biên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh, An Giang… để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm…; Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên tuyến, địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí, các đoàn thể phối hợp với Văn phòng Thường trực 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 địa phương, các lực lượng chức năng để phản ánh kịp thời tình hình và kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, công khai kịp thời các vụ việc nghiêm trọng, nổi cộm; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động người dân không tham gia và tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả. Đồng thời, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thành lập các tổ công tác kiểm tra đột xuất tại một số tuyến, địa bàn trọng điểm; thường xuyên cập nhật thông tin, nắm chắc tình hình báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; đề xuất khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích; phê bình, kỷ luật cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm, làm ngơ hoạc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm. Theo đó, cần tiếp tục đầu tư hơn nữa các trang thiết bị hiện đại cho các lực lượng chức năng, đặc biệt là bộ đội biên phòng, công an và hải quan tại các cửa khẩu, khu vực biên giới; Tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật để nâng cao ý thức phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong các cộng đồng dân cư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp đấu tranh phòng giữa các lực lượng như Hải quan, lực lượng biên phòng, công an, quản lý thị trường, đặc biệt, cần sự chung tay của doanh nghiệp và người dân trong việc phát hiện và tố cáo hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại. Ngoài ra, cần cần kiên quyết xử lý cán bộ bảo kê, tiếp tay, bao che cho các hoạt động buôn lậu và biểu dương những cá nhân, tập thể điển hình trong công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.