Đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp carbon thấp
Ngày 24/9/2022, Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”. Theo báo cáo, việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể.
Yêu cầu thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp carbon thấp
Báo cáo “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” khẳng định, việc chuyển đổi sang nền nông nghiệp carbon thấp sẽ đòi hỏi những khoản đầu tư ở cấp nông trại như chuẩn bị đất, quản lý nước nội đồng, giống mới, công nghệ và đầu vào mới… Ngoài cấp độ nông trại, đầu tư vào công nghệ mới, hệ thống quản lý và phương pháp tiếp cận kỹ thuật số sẽ là cần thiết để đảm bảo việc sử dụng “xanh” đầu vào và nguồn lực một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị trong chuỗi giá trị lúa gạo còn lạc hậu và cần được hiện đại hóa để nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị. Tuy nhiên, điều kiện sản xuất lúa gạo và nông nghiệp nói chung hiện nay không thuận lợi cho việc đầu tư của nông dân hoặc khu vực tư nhân. Chuyển sang sản xuất bền vững hơn và ít phát thải hơn có thể dẫn đến rủi ro và chi phí trả trước cao, mà hầu hết nông dân Việt Nam có thể không đủ khả năng chi trả. Thông thường, nông dân trồng lúa với quy mô nhỏ, manh mún, thu nhập khiêm tốn và thiếu tài sản thế chấp cũng như thông tin về mức độ tín nhiệm của họ.
Theo số liệu khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam (VHLSS) năm 2018, thu nhập ròng bình quân của hộ nông dân trên mỗi ha lúa mỗi năm ước tính là 8,763 triệu đồng (377 USD) trong khi đối với cây lâu năm là 11,688 triệu đồng (502 USD), 29,273 triệu đồng (1,259 USD) cho chăn nuôi và 20,860 triệu đồng (897 USD) cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Với tỷ suất lợi nhuận thấp như vậy, nông dân không thể áp dụng các phương thức sản xuất bền vững có chi phí trả trước hoặc rủi ro cao, vì họ rất có thể gắn giá trị cao hơn với nhu cầu sinh kế hiện tại.
Với thực tế đó, Báo cáo “Hướng tới Chuyển đổi Nông nghiệp Xanh ở Việt Nam: Chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Chính phủ Việt Nam có thể thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp carbon thấp trên khắp Việt Nam thông qua: Nâng cao năng lực đầu tư ở cấp nông dân; Đầu tư “giảm rủi ro” của khu vực tư nhân và thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính carbon.
Việc huy động vốn của khu vực tư nhân cho nông nghiệp carbon thấp là cực kỳ quan trọng. Phân tích chi tiêu công phù hợp với giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp cho thấy chi tiêu công có khả năng chỉ đáp ứng được 30% các yêu cầu về nguồn lực tổng thể để đạt được các mục tiêu về khí hậu cho năm 2030.
Giải pháp thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp carbon thấp
Để nâng cao năng lực đầu tư ở cấp nông dân, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Chính phủ cần thực hiện các hành động sau:
Một là, khuyến khích hiểu biết về lĩnh vực tài chính và huy động các dịch vụ khuyến nông hợp tác với các tổ chức tài chính vi mô (MFI), ngân hàng, dịch vụ cho vay cơ động, và các bên tham gia về công nghệ tài chính khác, để nâng cao hiểu biết về tài chính cho người nông dân, đặc biệt là về các chương trình thanh toán và tín dụng, việc sử dụng cũng như tác động tiềm ẩn của nền tảng di động; và các quyền hợp pháp và nghĩa vụ hợp đồng của họ đối với thỏa thuận thanh toán kỹ thuật số.
Hai là, khuyến khích các hình thức thế chấp khác nhau ngoài đất đai (như vật thể kiến trúc, thiết bị, hàng tồn kho và các khoản phải thu) làm cơ sở cho việc cho vay nông nghiệp thông qua luật xác định vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan; luật tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng xây dựng và công trình trên đất làm tài sản thế chấp; thành lập cơ quan giám sát kho hàng; và phát triển một hệ thống đăng ký công khai cho biên lai kho nhằm xây dựng lòng tin vào hệ thống, nâng cao tính minh bạch và giảm thiểu rủi ro gian lận.
Ba là, tạo điều kiện hỗ trợ tài chính kỹ thuật số trong nông nghiệp bằng cách cho phép phát triển các nền tảng kỹ thuật số và các phương pháp mới để tính điểm tín dụng kỹ thuật số, đặc biệt đối với hầu hết nông hộ nhỏ “không có khả năng chi trả” (ví dụ: sử dụng dữ liệu được tạo ra từ các giao dịch tiền di động, theo bài học và kinh nghiệm từ các nước khác như Trung Quốc, Indonesia, Mông Cổ và Kenya).
Tương tự, Chính phủ có thể kích thích đầu tư vào nông nghiệp carbon thấp và xây dựng khả năng chống chịu với khí hậu bằng cách cải thiện thị trường bảo hiểm nông nghiệp để đầu tư nông nghiệp “giảm thiểu rủi ro” thông qua: Đầu tư vào lĩnh vực hàng hóa công hỗ trợ thiết kế các sản phẩm bảo hiểm chất lượng cao (chẳng hạn như bộ dữ liệu mở và đáng tin cậy về sản lượng, tổn thất và R&D) cho nông dân sản xuất nhỏ (ví dụ: sản phẩm bảo hiểm chỉ số và bảo hiểm dựa trên nền tảng di động kỹ thuật số); Hành động để giảm phí bảo hiểm một cách bền vững bằng những cách sau: Phân loại rủi ro, đóng gói bảo hiểm bằng tín dụng....
Cuối cùng, Nhà nước cũng có thể khuyến khích tiếp cận tài chính khí hậu thông qua các hoạt động sau: Tài chính “hỗn hợp” (công và tư) để đầu tư giảm thiểu rủi ro, trong đó khu vực công cung cấp một vùng đệm vốn hấp thụ lỗ đầu tiên để thu hút các nhà đầu tư tư nhân; Hướng dẫn quốc gia về cách tiếp cận các định chế tài chính hỗn hợp sẵn có do các ngân hàng phát triển đa phương đưa ra; Xây dựng khuôn khổ thể chế giúp nông dân tiếp cận các nguồn lực bổ sung thông qua thị trường carbon mới nổi; Hỗ trợ việc sử dụng các công nghệ thời gian thực, kỹ thuật số tại nông trại để đo lường, báo cáo và nhận các khoản thanh toán cho việc giảm phát thải KNK.
Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới, về lâu dài, những lợi ích đáng kể có thể thu được từ việc tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận tín chỉ carbon. Chúng có thể được sử dụng để tạo động lực cho nông dân áp dụng các thực hành canh tác cải tiến.
Để đạt được mục tiêu, Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy những tiến bộ này bằng cách phối hợp với các nhóm nông dân và xã hội dân sự nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về cơ hội cũng như cung cấp các khóa đào tạo liên quan và tạo điều kiện cho các hệ thống giám sát, nâng cấp cơ sở hạ tầng để giúp nông dân tiếp cận được tín chỉ carbon có thể xác nhận.