Thúc đẩy chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp xanh

Theo Vũ Châu/daibieunhandan.vn

Việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp nông dân duy trì hoặc tăng sản lượng 5 - 10%, đồng thời giảm chi phí đầu vào 20 - 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng khoảng 25%.

Càng chần chừ, chi phí chuyển đổi càng cao

Nằm ở hạ lưu sông Me Kong với diện tích 4,08 triệu hecta, đồng bằng sông Cửu Long chiếm 23% diện tích đất nông nghiệp cả nước và là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước trong mọi giai đoạn.

Tuy nhiên, nông nghiệp cũng là ngành phát thải CO2 lớn. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp Việt Nam góp 19% vào tổng lượng phát thải, trong đó lúa gạo chiếm khoảng ½ lượng phát thải ngành, vào hơn 70% lượng phát thải khí mê tan. Trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành nông nghiệp với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Tại hội thảo “Chống chịu khí hậu tổng hợp và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” và Lễ công bố Báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp” ở Cần Thơ ngày 24/9, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, việc cải thiện quản lý nước và tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu đầu vào như giống, phân bón và thuốc trừ sâu có thể giúp nông dân duy trì hoặc tăng sản lượng 5 - 10%, đồng thời giảm chi phí đầu vào 20 - 30%, từ đó tăng lợi nhuận ròng khoảng 25%.

Quan trọng hơn, những kỹ thuật cải tiến này sẽ giúp cắt giảm phát thải khí nhà kính tới 30%. Những số liệu trên được chứng minh qua dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững ở Việt Nam” (VnSAT) do WB tài trợ thực hiện trên hơn 184.000ha lúa canh tác trên cả nước.

“Đã đến lúc phải chuyển đổi sang phương thức canh tác carbon thấp hơn. Càng chần chừ chi phí càng cao”, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Trong báo cáo “Hướng tới chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam: chuyển sang mô hình lúa gạo carbon thấp”, WB gợi ý Việt Nam có thể chuyển đổi ngành lúa gạo bằng việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và tăng sản lượng, tăng cường khả năng chống chịu và đa dạng hóa sản xuất. Việc chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư đáng kể và cải cách chính sách lớn để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích cũng như phối hợp hành động của các bên liên quan ở tất cả các cấp.

Báo cáo cũng nêu bật 5 lĩnh vực chính sách từ ngắn hạn đến trung hạn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lúa gạo carbon thấp, bao gồm: bảo đảm tính nhất quán của chính sách; việc điều chỉnh kế hoạch - ngân sách; định hướng lại các công cụ chính sách và chi tiêu công; thúc đẩy đầu tư công, cải thiện thể chế; tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và các bên liên quan khác tham gia, tiến dần tới mục tiêu phát thải khí nhà kính bằng không vào năm 2050.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Thực hiện cam kết Net Zero

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, để nông nghiệp, nông thôn cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng phát triển bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng chống chịu, Bộ đã và đang phối hợp với các cơ quan xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, phát triển bền vữngTheo đó, thực hiện tăng trưởng xanh - carbon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; giảm ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên. 

Trao đổi tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng muốn nâng cao đời sống nông dân thì phải giúp họ thay đổi tư duy, thói quen canh tác, đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia nông nghiệp để hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lại cho rằng, trước sự thay đổi của thiên nhiên, trước những tác động của biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long cũng phải thay đổi theo hướng thuận thiên. Muốn làm được điều đó, cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng với những quy hoạch hợp lý và khoa học, đồng thời tổ chức sản xuất theo ngành hàng, theo chuỗi liên kết.

Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề xuất, cần xây dựng cơ chế hoạt động cụ thể và có hiệu quả để tiến tới mục tiêu giảm phát thải nhà kính, quan tâm đầu tư các dự án liên kết ứng dụng như quản lý nguồn nước, phát triển giá trị doanh nghiệp về các dự án đầu tư cho nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long và đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực hiệu quả hội nhập quốc tế về nông nghiệp.

Lắng nghe và tiếp thu đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cam kết sẽ triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính...