Đẩy mạnh giải pháp về huy động vốn để thực hiện hiệu quả quy hoạch ngành điện
Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn 2017-2020, chiều 26/4.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn EVN cần làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ...
EVN và các bộ, ngành thảo luận làm rõ các giải pháp, nhất là các giải pháp về huy động vốn để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia tới năm 2020. Bên cạnh đó là các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số tiết kiệm điện năng; việc bảo đảm tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích (tách chức năng đại diện chủ sở hữu với quản lý nhà nước, tách nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị), tiêu chí đánh giá DNNN trong lĩnh vực điện năng.
Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, bảo đảm có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kềm chế lạm phát.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2016, EVN đã hoàn thành kế hoạch hằng năm Nhà nước giao, bảo đảm cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.
EVN cũng đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tổng công suất nguồn điện hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 là 9.852 MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Tập đoàn thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý kinh doanh, nhờ đó tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm dần qua từng năm. Tới năm 2016, chỉ số này giảm còn 7,57%, sản lượng điện tiết kiệm trong cả giai đoạn trước là 11,96 tỷ kWh.
EVN nỗ lực đầu tư cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Tới nay, 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn sử dụng lưới điện. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Việt Nam thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao đầu tư lưới điện nông thôn.