Đẩy mạnh marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch hậu Covid-19
Hoạt động marketing trực tuyến là hình thức tiếp thị trực tuyến bằng cách sử dụng các phương tiện điện tử, công nghệ truyền thông, internet để nghiên cứu và phân tích thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh và chiến lược quảng bá sản phẩm đến người dùng bằng ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới ngành Du lịch Việt Nam khi các doanh thu của dịch vụ du lịch bi suy giảm nghiêm trọng, marketing trực tuyến cần được đẩy mạnh. Bài viết đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch Việt Nam và đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch hậu Covid-19.
Thực trạng kinh doanh du lịch ở Việt Nam thời kỳ dịch Covid-19
Ở Việt Nam, những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam được đánh giá là ngành “công nghiệp không khói” phát triển năng động nhất khi có những đóng góp không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước và giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, từ khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, ngành Du lịch nước ta đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 9/2020 ước tính đạt 13,8 nghìn lượt người, giảm 15,5% so với tháng 8/2020 và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3.788,5 nghìn lượt người, giảm 70,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt 3.056,9 nghìn lượt người, chiếm 80,7% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 70%; đường bộ đạt 587 nghìn lượt người, chiếm 15,5% và giảm 76,4%; đường biển đạt 144,6 nghìn lượt người, chiếm 3,8% và giảm 23,8%.
Các cơ sở lưu trú phải đóng cửa, nhân viên ngành Du lịch bị mất việc làm gia tăng. Công suất hoạt động các cơ sở lưu trú trong 3 quý đầu năm 2020 chỉ đạt từ 20% - 30% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu vận tải hành khách trong quý III/2020 ước đạt 815,3 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019 và luân chuyển đạt 35,8 tỷ lượt khách, giảm 42,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách đạt 2.625,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,5%) và luân chuyển 119,4 tỷ lượt khách, giảm 35,2% (cùng kỳ năm trước tăng 9,8%), trong đó vận tải trong nước đạt 2.623,1 triệu lượt khách, giảm 29,5% và 109,5 tỷ lượt khách, giảm 25,4%; vận tải ngoài nước đạt 2,8 triệu lượt khách, giảm 77,7% và 9,9 tỷ lượt khách.km, giảm 73,6%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm nay ước tính đạt 369,3 nghìn tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,6%). So với cùng kỳ năm 2019, tại một số địa phương, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 9 tháng năm 2020 cũng giảm mạnh, như: Khánh Hòa giảm 59,8%; Quảng Nam giảm 53,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 41,3%; TP. Hồ Chí Minh giảm 39,9%; Đà Nẵng giảm 35,7%...
Cùng với đà suy giảm của dịch vụ lưu trú, ăn uống, doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2020 ước tính đạt 14,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 56,3% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,9%). Một số địa phương có doanh thu du lịch, lữ hành 9 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 gồm: Khánh Hòa giảm 78,7%; TP. Hồ Chí Minh giảm 73,7%; Quảng Nam giảm 70,6%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 68,5%; Đà Nẵng giảm 68,1%; Quảng Ninh giảm 49,8%; Bình Định giảm 44,3%; Hà Nội giảm 42,6%; Thanh Hóa giảm 39,9%...
Những chỉ số trên cho thấy, “bức tranh” ngành Du lịch Việt Nam trong thời gian qua có nhiều gam màu tối do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 gây ra, cần có giải pháp đồng bộ thúc đẩy ngành này sôi động trở lại trong thời gian tới.
Các hình thức marketing trực tuyến
Marketing trực tuyến là hình thức tiếp thị trực tuyến bằng cách sử dụng các phương tiện điện tử, công nghệ truyền thông, internet để nghiên cứu và phân tích thị trường, đưa ra chiến lược kinh doanh và chiến lược quảng bá sản phẩm đến người dùng bằng công nghệ mạng máy tính.
Hiện nay, các hình thức marketing trực tuyến gồm: Mạng lưới quảng cáo; marketing truyền thông xã hội; tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO); động cơ nghiên cứu thị trường (SEM); tiếp thị lan truyền… Cụ thể, mạng lưới quảng cáo, được coi là công cụ quảng cáo hiệu quả trong lĩnh vực thương mại điện tử. Với công cụ marketing này, website được coi là nền tảng giúp các doanh nghiệp (DN) bắt đầu hoạt động bán hàng trên mạng internet và thu hút khách hàng. Website bán hàng phù hợp với mọi DN và ngành nghề kinh doanh trực tuyến hiện nay. Công cụ này hỗ trợ người mua quảng cáo tìm thấy những vùng và website bán quảng cáo phù hợp với chiến dịch truyền thông của mình.
Còn marketing tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) giúp tối ưu hóa website thân thiện với các bộ máy tìm kiếm, cũng như tăng thứ hạng từ khóa và website khi người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm. Đây là giải pháp vượt trội trong việc quảng bá sản phẩm, dịch vụ và tiếp cận khách hàng, khi có đến 90% người dùng sử dụng google và các công cụ tìm kiếm khác truy vấn thông tin sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định mua hàng. Việc sử dụng các diễn đàn, blog và trang rao vặt không chỉ quảng cáo sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu, thu hút khách hàng tiềm năng, gia tăng cơ hội bán hàng, mà còn trợ giúp cho hoạt động SEO và tăng lượt truy cập website.
Đối với hình thức marketing SEM-hình thức quảng cáo trên công cụ tìm kiếm có thể thấy, Google Adwords là hình thức quảng cáo từ khóa trên công cụ tìm kiếm có trả phí được sử dụng nhiều nhất hiện nay. Khi người dùng có nhu cầu tìm kiếm thông tin và từ khóa thì nội dung quảng sẽ xuất hiện. Khi người dùng click vào quảng cáo sẽ phải trả phí cho nhà cung cấp.
Marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch
Marketing trực tuyến đã và đang ngày càng thu hút sự quan tâm của ngành Du lịch trong hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh điểm đến ở cấp quốc gia, cũng như địa phương. Ngày nay, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở cấp Trung ương và địa phương đều thành lập website du lịch để quảng bá hình ảnh du lịch.
Trên thực tế, marketing trực tuyến được chú trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch ở Việt Nam bởi tính hiệu quả của hình thức này mang lại. Trên thực tế, hình thức marketing trực tuyến khác như Mobile marketing và Content marketing còn hạn chế. Các hình thức marketing trực tuyến chủ yếu trong kinh doanh du lịch ở Việt Nam hiện nay, theo thứ tự phổ biến bao gồm: Display (chủ yếu bằng website), SEO, SEM và Email marketing
Các chiến lược marketing du lịch trên internet hiện nay được áp dụng phổ biến gồm:
- Quảng cáo bằng trình chiếu trên internet: Sử dụng áp phích hoặc các tin quảng cáo trên áp phích, bố trí chúng trên website của bên thứ ba, từ đó hướng người sử dụng truy cập vào website cá nhân của tổ chức du lịch nhằm nâng cao nhận thức về điểm đến hoặc hưởng ứng chiến dịch.
- Marketing thông qua công cụ tìm kiếm: Tại các trang kết quả tìm kiếm tại website dưới hình thức đặt chỗ cố định, sau đó trả tiền, quảng cáo theo ngữ cảnh, quảng cáo trả phí trên công cụ tìm kiếm hoặc thông qua các kỹ thuật tối ưu hóa website công cụ tìm kiếm.
- Tối ưu hóa website công cụ tìm kiếm: Cải thiện hình ảnh của một website trên công cụ tìm kiếm thông qua các kết quả tìm kiếm “tự nhiên” hoặc “không phải trả tiền”.
- Marketing trên mạng xã hội: Có được lượng truy cập hoặc sự quan tâm thông qua các mạng xã hội như facebook và twitter.
- Marketing qua thư điện tử: Quảng bá trực tiếp một thông điệp thương mại tới một nhóm người đang sử dụng thư điện tử (như thư điện tử gửi trực tiếp).
- Marketing thông qua giới thiệu: Xúc tiến sản phẩm hoặc dịch vụ tới các khách hàng mới thông qua những lời giới thiệu, thường là truyền miệng (ví dụ như thông qua TripAdvisor).
- Marketing chi nhánh: Khi một DN thưởng cho các chi nhánh vì đã mang khách hàng hoặc du khách cho DN nhờ nỗ lực marketing của bản thân chi nhánh đó
- Marketing thị trường khách đến: Xây dựng và chia sẻ rộng rãi nội dung thông tin như một cách để biến những khách hàng tiềm năng thành khách hàng thực sự, và khách hàng thực sựtrở thành khách hàng quen (như thông qua một blog quy định).
- Marketing thông qua băng hình: Dựng các băng hình thu hút người xem vào trạng thái muốn mua hàng dựa vào những thông tin trình bày dưới dạng băng hình, hướng họ đến sản phẩm hoặc dịch vụ (như những đoạn băng hình trên Youtube).
- Marketing du kích: Marketing không theo phương thức truyền thống như dán poster trên các bảng quảng cáo, những hình thức PR nhỏ lẻ…, tạo sự quan tâm, kích thích suy nghĩ trên internet để tạo tính lan truyền, phát tán trong cộng đồng.
- Đặt hàng trực tuyến: Marketing điện tử với những tổ chức trên mạng (như Agoda, Lastminute.com), đồng thời, cung cấp các cơ hội đặt hàng trực tiếp.
- Website marketing điểm đến: Xây dựng một website giới thiệu điểm đến có chất lượng cao, với nhiều thứ tiếng, thiết kế tinh vi B2B và B2C dựa trên các giá trị thương hiệu.
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch
Thực tế thời gian qua cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội", trong đó, mục tiêu trước mắt là đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa và sẵn sàng mở cửa thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép, là mục tiêu căn cốt của du lịch Việt Nam.
Trong bối cảnh hậu dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng cần có chiến dịch truyền thông - marketing phù hợp với xu hướng hậu Covid-19, trong đó cần chú trọng sử dụng hình thức truyền thông marketing kỹ thuật số (Digital Marketing). Đây là một trong những phương pháp tiếp cận thị trường kinh doanh thành công nhất hiện nay. Sự phát triển của digital marketing dường như càng được nhân đôi nhanh chóng bởi sự phát triển mở rộng của phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong tất cả các khía cạnh của đời sống thường nhật – từ Email đến mạng xã hội.
Để giúp Digital marketing thành công, các công cụ hỗ trợ chủ yếu gồm:
- Động cơ nghiên cứu thị trường (SEM): Nghiên cứu của Google công bố mới đây cho thấy, 65% khách đi du lịch thư giãn bắt đầu tìm kiếm địa điểm du lịch trên mạng… mà không có sẵn chủ định nào trong đầu, cũng không biết nên đi lại bằng phương tiện nào. Do vậy, tìm kiếm trực tuyến đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình ra quyết định của người dùng. Từ thực tế này, các DN lữ hành cần trang bị kiến thức về SEO cho đội ngũ nhân sự để ứng dụng vào website của DN mình.
- Truyền thông xã hội: Ngày nay, trong thế giới trực tuyến và siêu kết nối, các thương hiệu không thể bỏ qua hoạt động truyền thông xã hội. Thực tế cho thấy, hầu hết mọi người đăng nhập vào website để phục vụ cho mục đích của cá nhân và đăng nhập mạng xã hội. Để khai thác kênh truyền thông này, ngành Du lịch đã thiết lập tương tác và duy trì sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội.
- Email marketing: Là một trong những yếu tố thành công nhất trong lĩnh vực digital marketing. Hình thức này không chỉ mang lại hiệu quả cao, mà còn có chi phí thấp, tiết kiệm thời gian và đo lường dễ dàng nhu cầu du lịch của khách hàng.
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Thị Bảo Uyên, Chiến lược marketing cho Công ty TNHH một thành viên lữ hành vitours Đà Nẵng, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Đà Nẵng;
Trần Thị Hải (2018), Ứng dụng marketing điện tử trong phát triển du lịch Hà Tĩnh;
Chân dung của “nền kinh tế nghỉ dưỡng” Đà Nẵng, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/chan-dung-cua-nen-kinh-te-nghi-duong-da-nang-146143.html;
Giải pháp đẩy mạnh hoạt động marketing trực tuyến trong kinh doanh du lịch, http://www.vtr.org.vn/giai-phap-day-manh-hoat-dong-marketing-truc-tuyen-trong-kinh-doanh-du-lich.html.