Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
(Tài chính) Triển khai các chính sách của Chính phủ về đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, thời gian qua các Bộ, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã tập trung rà soát, điều chỉnh phương án sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Trong 10 tháng đầu năm 2014, trong tổng số 432 doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa 2 năm 2014 - 2015, có 75 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 96 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 75 doanh nghiệp, riêng tháng 10 đã cổ phần hóa đươc 4 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được cổ phần hóa hầu hết có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực.
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp, chưa kể số DNNN tiếp tục thực hiện rà soát theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN mới ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn tới. Trong số 432 doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2014-2015, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, đã công bố giá trị 123 doanh nghiệp, dự kiến cả năm 2014 sẽ cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, Bộ Tài chính cho biết, về cơ bản, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã tích cực triển khai sắp xếp, cổ phần hóa, các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi các doanh nghiệp thực hiện.
Tuy nhiên, quá trình sắp xếp, cổ phần hóa diễn ra chậm hơn so với yêu cầu đặt ra (mặc dù kết quả 10 tháng đầu năm đã thực hiện nhanh hơn) do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và kế hoạch bán cổ phần ra công chúng của các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như thoái vốn đầu tư; một số Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn; Nhận thức của một số bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội; Đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt.
Đẩy nhanh sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Theo kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa đã được duyệt thì trong giai đoạn 2014 - 2015 cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Để thực hiện được mục tiêu này là điều không phải dễ dàng gì. Chính vì vậy, việc chỉ ra những nguyên nhân để từ đó khắc phục những khó khăn, rào cản trong thực hiện CPH là điều hết sức quan trọng nhằm đẩy nhanh tiến độ CPH các DNNN theo quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung vào một số nội dung chính như:
Thứ nhất, Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan của Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ, Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 334/TB-VPCP tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN tháng 8/2014.
Thứ hai, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 334/TB-VPCP tại Hội nghị giao ban về tái cơ cấu DNNN tháng 8/2014, theo đó, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt, vượt mức kế hoạch năm 2014, đồng thời với tái cơ cấu doanh nghiệp một cách toàn diện, từ mô hình tổ chức, quản lý, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường… Đặc biệt quan tâm việc tạo ra sản phẩm mới, tăng năng suất lao động, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh; Tiếp tục quan triệt sâu rộng về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các năm 2014 – 2015. Coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần khẩn trương và kiên quyết hoàn thành. Các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước có kết quả cổ phần hóa, thoái vốn thấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; có biện pháp phù hợp để khắc phục, góp phần hoàn thành mục tiêu chung; Các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty bám sát đề án tái cơ cấu, phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ và khẩn trương nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; Các Bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty căn cứ, tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước ban hành tại Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và lộ trình triển khai, trong quý III/2014 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện; Đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước trong tái cơ cấu doanh nghiệp cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh được giao.
Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, như: sửa đổi quy định về bán, giao doanh nghiệp, hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư trong doanh nghiệp sắp xếp, chuyển đổi.
Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp.
Thứ năm, Thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Thứ sáu, Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp.
Cuối cùng, các đơn vị thực hiện tốt chế độ báo cáo về tình hình triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.