TP. Cần Thơ:
Đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm
TP. Cần Thơ yêu cầu các chủ đầu tư tập trung thực hiện và đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã và đang triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng; đồng thời sớm hoàn thiện các công việc cần thiết để khởi công thêm các công trình mới theo đúng tiến độ đề ra …
Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ đã tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông quan trọng và có nhiều công trình đã hoàn thành, sắp hoàn thành đưa vào khai khai thác sử dụng như: tuyến đường tỉnh 922, cầu Vàm Xáng…
Trong đó, dự án đường tỉnh 922 (xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ) có tổng mức đầu tư hơn 1.494 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, tổng chiều dài tuyến hơn 29,5km, thời gian thực hiện từ 2017 - 2022.
Dự án gồm 2 gói thầu: gói thầu số 1 thi công phần tuyến chính và gói thầu số 2 thi công cầu và đường dẫn vào cầu của 4 cầu (cầu số 8, số 7, số 6, số 5). Đến nay, phần tuyến chính đã thi công hoàn thành, láng nhựa đạt 100% và tổ chức thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 1-2022; Ban và nhà thầu đang tập trung thi công hoàn thiện gói thầu số 2 và phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án này trong tháng 5/2022.
Dự án cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C (huyện Phong Điền) có tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng (gồm chi phí xây dựng và chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Tổng chiều dài tuyến hơn 3,29km, với 3 nhánh tuyến.
Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,45km (từ điểm giao với đường Nguyễn Văn Cừ bắc qua sông Cần Thơ nối vào quốc lộ 61C), trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống. Nhánh nối 1 dài 363m, từ điểm đầu giao với đường tỉnh 923 đến đường Nguyễn Văn Cừ. Nhánh nối 2 dài 505m, từ giao với đường tỉnh 932 đến nhánh chính. Quy mô mặt cắt ngang phần tuyến rộng 12m, cầu Vàm Xáng là 16m.
Sau một thời gian nỗ lực thi công, đến nay tiến độ công trình cầu Vàm Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến quốc lộ 61C (huyện Phong Ðiền) đạt trên 96%, giá trị thi công trên công trường ước đạt hơn 275/285 tỷ đồng giá trị hợp đồng. Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ cùng nhà thầu phấn đấu hoàn thành đưa công trình này vào sử dụng cuối tháng 4 năm nay.
Bước vào năm 2022, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cũng đã tổ chức khởi công các công trình do Sở làm chủ đầu tư là: cầu Tây Ðô (huyện Phong Ðiền), cầu Cờ Ðỏ. Đây là những công trình giao thông trọng điểm mà TP. Cần Thơ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn mới 2021-2025. Cầu Tây Ðô là công trình cầu giao thông cấp III, có tổng chiều dài tuyến hơn 700m (trong đó phần cầu Tây Ðô dài 140,26m và còn lại là đường dẫn); tổng mức đầu tư hơn 208 tỷ đồng.
Sau khi khởi công vào cuối tháng 1/2022, hiện nhà thầu đang tập trung thi công cọc khoan nhồi mố M1 và trụ T1. Công trình dự kiến thời gian thi công là 630 ngày… Còn dự án cầu Cờ Đỏ trên đường tỉnh 919 có tổng mức đầu tư hơn 165 tỷ đồng, có tổng chiều dài tuyến hơn 369m (trong đó phần cầu Cờ Đỏ dài hơn 83m và còn lại là đường dẫn).
Công trình khởi công ngày 12-2-2022, nhà thầu đang tập trung thi công tại vị trí mố M1, trụ T1… Việc xây dựng mới cầu Cờ Đỏ là rất cần thiết và cấp bách, nhằm kết nối đồng bộ và phát huy tối đa hiệu quả khai thác của các tuyến đường tỉnh 919, đường tỉnh 922, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Cờ Đỏ nói riêng và TP. Cần Thơ nói chung.
Sớm khởi công các công trình mới
Với định hướng “Giao thông đi trước một bước”, giai đoạn 2021-2025, TP. Cần Thơ dự kiến triển khai đầu tư xây dựng hàng loạt công trình trọng điểm, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Trong đó, các dự án do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư như: đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng, đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 923 có tổng mức đầu tư hơn 576 tỷ đồng, cầu Cờ Ðỏ, cầu Tây Ðô, dự án trục đường hẻm 91 (đoạn Long Tuyền - đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ) tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng...
Các dự án do Ban Quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng thành phố là chủ đầu tư như: cầu Kênh Ngang (trên đường tỉnh 922), xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, dự án đường tỉnh 918 (giai đoạn 2), dự án đường tỉnh 921: đoạn tuyến thẳng (điểm đầu giao với tuyến tránh Thốt Nốt - điểm cuối giao với đường cao tốc Cần Thơ - Sóc Trăng - Châu Ðốc)…
Ngoài 2 cầu Tây Đô và Cờ Đỏ đã khởi công xây dựng, Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ cho biết cũng sẽ sớm tổ chức khởi công các công trình còn lại. Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ cũng dự kiến trong năm nay sẽ khởi công các công trình giao thông trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025 do Ban làm chủ đầu tư.
Đặc biệt, mới đây, UBND TP. Cần Thơ đã có báo cáo đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA Dự án phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Theo đó, UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản Dự án phát triển bền vững TP. Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu; nhà tài trợ và đồng tài trợ nước ngoài dự kiến hỗ trợ thực hiện dự án là Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng tái thiết Đức (KFW). Dự án có 2 hợp phần chính gồm: nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) đoạn qua thành phố giai đoạn 2; đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), đoạn qua TP. Cần Thơ.
Thời gian thực hiện dự án: 2022-2026; tổng vốn đầu tư dự kiến 2.728,72 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các tuyến đường sẽ là động lực liên kết, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị, dân cư hiện tại, đặc biệt là sẽ tăng khả năng kết nối thuận tiện giữa TP. Cần Thơ với Vị Thanh (Hậu Giang) và Giồng Riềng (Kiên Giang), thúc đẩy phát triển các địa phương. Như vậy, nếu được chấp thuận, sẽ có thêm 2 công trình giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng trên địa bàn TP. Cần Thơ trong thời gian tới.
Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, cho rằng: Đường tỉnh 923, Sở dự kiến trong tháng 4/2022 sẽ khởi công gói thầu đầu tiên; để triển khai thi công thuận lợi Sở mong muốn quận Ô Môn và Phong Điền quan tâm hỗ trợ trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Còn dự án đường vành đai phía Tây, cuối tháng 3/2022 sẽ hoàn thành công tác thiết kế và thẩm tra, đầu tháng 4/2022 trình Bộ Xây dựng phê duyệt; dự kiến cuối quý II và chậm nhất là đầu quý III/2022 sẽ khởi công 2 gói thầu đầu tiên (cầu Ba Láng và cầu Bình Thủy). Công tác giải phóng mặt bằng dự án này cũng rất lớn, các địa phương hỗ trợ cho sở trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường, gấp rút trong công tác giải phóng mặt bằng mới kịp khởi công…
Theo ông Lê Minh Cường - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP. Cần Thơ, đối với các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021-2025 do Ban làm chủ đầu tư thì 2 dự án xây dựng và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 917, đường tỉnh 918 (giai đoạn 2) Ban chuẩn bị bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, công tác tư vấn thiết kế đã khảo sát địa hình địa chất và đang thiết kế bản vẽ thi công dự kiến tháng 3 hoàn thành, tháng 5 tổ chức đấu thầu và tháng 6/2022 sẽ khởi công 2 dự án này. Dự án đường tỉnh 921 đã hoàn thành thiết kế gồm 2 gói thầu đường và 4 gói thầu cầu, trong tháng 3 và tháng 4/2022 sẽ tổ chức đấu thầu các gói thầu, triển khai thi công. Dự án cầu Kênh Ngang cũng đã hoàn thành thiết kế, đầu tháng 3 tổ chức đấu thầu, để đầu tháng 4-2022 khởi công....
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã và đang triển khai, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đồng thời, sớm hoàn thiện các công việc cần thiết để khởi công thêm các công trình mới theo đúng tiến độ đề ra, như: đường tỉnh 923 khởi công tháng 4/2022, đường vành đai phía Tây khởi công đầu quý III/2022…
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp các đơn vị lập chủ trương đầu tư, tham mưu các dự án theo kế hoạch đầu tư nhưng chưa có chủ trương đầu tư để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Các chủ đầu tư cần có phương án cho từng dự án và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ, tái định cư cho người dân.
Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có dự án đi qua cần chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn đẩy nhanh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, đảm bảo điều kiện khởi công thực hiện các dự án...