Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Quyết tâm sẽ thành hiện thực
(Tài chính) Theo báo cáo của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả cổ phần hóa (CPH) trong những tháng đầu năm 2014 được đánh giá là khả quan và có chuyển biến mạnh, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai năm 2014 - 2015.
Tiến trình CPH tăng tốc nhưng còn nhiều thách thức
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì vào tháng 02/2014, con số DNNN cần được CPH trong hai năm 2014 - 2015 lên tới 432 doanh nghiệp. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa mấy sáng sủa, đây là nhiệm vụ gần như “bất khả thi”. Thế nhưng, kết thúc 5 tháng đầu năm, đã có 32 doanh nghiệp tiến hành bán cổ phần lần đầu thông qua hai sàn giao dịch chứng khoán. Tính hết ngày 31/7/2014, đã có 76 doanh nghiệp được sắp xếp, trong đó CPH được 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập được 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp. Hoạt động thoái vốn đã đạt được 2.975 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cả năm 2013.
Với tốc độ CPH DNNN đang được đẩy nhanh như hiện nay, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm vụ CPH 432 doanh nghiệp trong hai năm 2014 - 2015.
Trong năm 2013, thành phố Hồ Chí Minh không CPH được DNNN nào. Theo TS. Trần Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế khiến các doanh nghiệp phải tập trung vào tái cấu trúc ngành nghề, định hướng kinh doanh, tìm thị trường nên việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp còn bỏ ngỏ.
Một thách thức khác là vấn đề tư duy của lãnh đạo DNNN. DNNN thuộc sở hữu nhà nước, tức là sở hữu toàn dân, nên không ít DNNN ở tình trạng “cha chung không ai khóc”, nếu DNNN làm ăn thua lỗ đã có ngân sách bù. Điều này đã làm giảm động lực thúc đẩy DNNN CPH. Ông Phạm Hải Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết: “Nhiều doanh nghiệp chưa muốn CPH vì họ chưa muốn từ bỏ những đặc quyền, đặc lợi của cơ chế bao cấp. Theo đó, lỗ thì Nhà nước chịu, lời thì Nhà nước chưa chắc đã thu được đủ. Trong khi, trách nhiệm thuộc về tập thể, lãnh đạo lại là cá nhân”.
Nhiều DNNN đã hoạt động không hiệu quả và thua lỗ lớn, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN rất thấp. Do đó, khi CPH sẽ không dễ tìm được nhà đầu tư. Đơn cử, quý I/2014, hơn 70% trên tổng số 355 triệu cổ phần được các DNNN chào bán lần đầu ra công chúng không tìm được người mua. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (Trancinwa) ế tới 99%. Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế của Trancinwa giảm dần qua các năm. Năm 2010, công ty báo lãi ròng hơn 340 triệu đồng, nhưng tới năm 2012 đã lỗ 13,6 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) cũng gần như bị ế toàn bộ số cổ phần đem ra đấu giá khi chỉ bán được 0,03%. Ngoài hai công ty này, hàng loạt DNNN cũng ế trên 90% số cổ phần định IPO. Trong đó, Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) ế 97%, Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen) ế 96%, Cienco 6 ế 96%...
Trong quá trình CPH, lao động dôi dư cũng là một vấn đề. CPH, tái cấu trúc DNNN đồng nghĩa với quá trình sắp xếp lại lực lượng lao động nhằm mang lại năng suất cao nhất. Quá trình này sẽ sàng lọc ra một số lượng không nhỏ lao động dôi dư. Vì thế, xây dựng chính sách giải quyết lao động dôi dư khi CPH cũng là một thách thức rất lớn hiện nay.
Và những thuận lợi
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - đơn vị điển hình trong tiến trình CPH DNNN - CPH làm thay đổi căn bản cấu trúc sở hữu của Tập đoàn từ 100% sở hữu nhà nước sang mô hình công ty cổ phần. Đây là yếu tố then chốt nhằm thay đổi căn bản cấu trúc quản trị và năng lực quản lý kinh doanh, nâng cao khả năng hấp thụ các mô hình quản trị kinh doanh tiên tiến của thế giới. Khi CPH xong, Vinatex có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung, cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài. Đây là một nhân tố rất quan trọng để Vinatex có thêm nguồn lực quản trị và đẩy mạnh đầu tư.
Sự thành công của Vinatex có thể được coi là một bài học cho những tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong tiến trình CPH. Mặt khác, theo một số chuyên gia, lộ trình CPH 432 DNNN của Chính phủ rất thực tế. Trong đó, thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản, Mỹ và EU đang tỏ ra rất quan tâm đến tiến trình M&A của Việt Nam. Không loại trừ khả năng họ sẵn sàng đổ hàng chục tỷ USD vào các thương vụ mua đứt DNNN, nếu có cơ hội.
Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam mới đây, ông Yosida, Chủ tịch Công ty Recof (Nhật Bản) cho biết, một nửa danh mục thông tin thúc đẩy giao dịch M&A của công ty hiện nay là các thương vụ tại Việt Nam, chủ yếu ở lĩnh vực vận tải, công nghệ, khách sạn, bán lẻ... Tương tự, các đối tác đến từ Mỹ, EU, Singapore, Hong Kong, Thái Lan… cũng đặc biệt quan tâm tới làn sóng M&A đang dâng lên tại Việt Nam. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư Mỹ và EU luôn trả giá cao và thể hiện sự tin tưởng vào đối tác Việt. Về quy mô, nhà đầu tư Mỹ và EU muốn mua công ty mục tiêu ở quy mô lớn, đặc biệt là DNNN.
Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước cũng đẩy mạnh việc M&A bằng cách lựa chọn các công ty có triển vọng để huy động vốn quốc tế. Nửa đầu năm 2014, thị trường M&A đã chứng kiến khá nhiều các thương vụ doanh nghiệp nội thực hiện giao dịch mua lại các doanh nghiệp nội địa khác hoặc đi mua các công ty nước ngoài.
So với các nước trong khu vực, thị trường M&A Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là hấp dẫn hơn rất nhiều. Bằng chứng là, Việt Nam hiện đã có trên 17.000 tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam và mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như Sabeco hiện có tới 4 hãng bia muốn làm cổ đông chiến lược gồm: Sab Miller, Kirin Brewery Company Ltd, Asia Pacific Breweries Ltd và Asahi Breweries Limited. Trong đó, Sab Miller là một trong những hãng bia lớn nhất thế giới. Kirin Brewery Company Ltd là công ty đồ uống lớn nhất Nhật Bản. Asahi Breweries Limited cũng là hãng bia và đồ uống Nhật Bản và Asia Pacific Breweries Ltd là công ty sở hữu nhãn hiệu bia Heineken.
Việc các nhà đầu tư chiến lược quan tâm đặc biệt đối với tiến trình CPH DNNN Việt Nam sẽ là điều kiện thuận lợi, bảo đảm sự thành công cho tiến trình này. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào bản thân các doanh nghiệp có quyết tâm CPH hay không.
Ngoài ra, CPH cũng góp phần vào việc hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, đa ngành, đa lĩnh vực và đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc đổi mới tư duy kinh tế, hài hòa được lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp và người lao động. Vì thế, CPH DNNN được xác định là nhiệm vụt then chốt trong tiến trình tái cơ cấu DNNN - một trong ba trọng tâm của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ đã chứng tỏ quyết tâm tái cấu trúc DNNN. Đặc biệt, việc CPH những doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng” như Mobifone càng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc CPH những doanh nghiệp rất tốt chứ không chỉ CPH những doanh nghiệp làm ăn yếu kém.
Hải Nam - Theo Thông tin Tài chính số 17 kỳ 1 tháng 9/2014