Đẩy nhanh tốc độ và quy mô tiêm vắc xin để phục hồi nền kinh tế
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II/2021 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố chiều 21/7 khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ và quy mô tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo VEPR, bao phủ tiêm chủng vắc xin tới 70 - 80% dân số sớm ngày nào thì nền kinh tế sớm phục hồi sớm ngày đó.
Tăng trưởng quý II chưa phản ánh hết khó khăn
Báo cáo của VEPR cho biết, tăng trưởng quý II năm nay đạt 6,61%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (0,36%). Trong đó, ngành công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng với tốc độ 13,84% và chỉ thấp hơn cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021.
TS. Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng của VEPR, cho rằng kết quả này dựa trên những yếu tố như Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh từ cuối quý I giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước. Cùng với đó, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu mở cửa trở lại và các doanh nghiệp tận dụng tốt Hiệp định EVFTA để phục hồi quy trình sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo môi trường cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng...
Dù vậy, TS. Phạm Thế Anh nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng lạc quan trong quý II chưa phản ánh hết khó khăn của nền kinh tế bởi chưa đánh giá được tác động của dịch Covid-19 đến khu vực phi chính thức.
Trong khu vực dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý II ước đạt 1.177,6 nghìn tỷ đồng, giảm 8,4% so với quý trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho tiếp tục tăng mạnh ở mức 24,3% cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang bị đình trệ trong sản xuất và phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Ba kịch bản tăng trưởng
VEPR cho rằng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong giữa và cuối quý II tiếp tục làm gián đoạn quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại địa phương có dịch. Mặt khác, điểm yếu của nền kinh tế nước ta còn đến từ các rủi ro nội tại như sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu...
Dự báo về tăng trưởng năm nay, VEPR đưa ra 3 kịch bản dựa vào diễn biến kiểm soát dịch bệnh cũng như tốc độ tiêm vắc xin.
Kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng cả năm ở mức 4,5 - 5,1%.
Kịch bản thứ 2, nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 8, việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I.2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định thì tăng trưởng cả năm khoảng 5,4 - 6,1%.
Kịch bản thứ 3, nếu dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vắc xin triển khai chậm, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm thì tăng trưởng trong khoảng 3,5 - 4%.
VEPR khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ và quy mô tiêm vắc xin. Bao phủ tiêm chủng vắc xin tới 70 - 80% dân số sớm ngày nào thì nền kinh tế phục hồi sớm ngày ấy. Cùng với đó, cần có một chiến lược tổng thể và nhất quán đối phó với các tình huống bệnh dịch. Chính phủ và các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai và giải ngân các gói hỗ trợ, đặc biệt với những lao động trong khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, chính sách tài khóa nên tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn ở cấp quốc gia, làm nền tảng cho giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Chính sách tiền tệ thích ứng nên được thực hiện với tăng trưởng cung tiền được kiểm soát ở mức phù hợp (10%) và các biện pháp kiểm soát rủi ro ở mức vừa phải.