Dè chừng biến động tỷ giá JPY/VND

Theo Minh Đức VnEconomy

Những diễn biến khó lường của tỷ giá giữa đồng Yên Nhật (JPY) với đồng Việt Nam (VND) từ đầu năm đến nay khiến nhiều doanh nghiệp phải dè chừng.

Tỷ giá JPY/VND biến động khó lường

Đầu năm 2010, EIU (Economist Intelligence Unit) đưa ra dự báo tỷ giá bình quân năm nay giữa JPY và VND sẽ ở khoảng 180 VND. Lạc quan khi trước đó nhiều doanh nghiệp có khoản nợ bằng JPY đã phải trích lập một khoản lớn dự phòng rủi ro tỷ giá, như trước diễn biến tăng mạnh của năm 2009 (vào thời điểm 31/12/2009 là 1 JPY = 200,7 VND, tăng tới 8,51% so với cuối năm 2008).

Sự lạc quan trên có hơi hướng ở diễn biến tỷ giá JPY/VND đầu năm 2010; tỷ giá tính chéo sau khi tăng trên mốc 205 VND đã giảm xuống còn khoảng 198 VND. Cộng với dự báo của EIU, kỳ vọng đặt ra là nhiều doanh nghiệp có thể có được khoản hoàn nhập dự phòng đáng kể trong năm nay nhờ tỷ giá giảm.

Thế nhưng, đến thời điểm này, tỷ giá giữa hai đồng tiền trên đã tăng khá mạnh. Giá JPY bán ra của Vietcombank trong ngày 9/7 đã lên tới 217,28 VND, tức tăng khoảng 8% so với thời điểm 31/12/2009 - tiếp tục là một mức tăng rất mạnh.

Trong nửa còn lại của năm, hiện khó tìm những dự báo cụ thể về xu hướng của tỷ giá JPY/VND. Nhưng nếu xu hướng tăng nói trên tiếp tục thể hiện, nhiều “doanh nghiệp JPY” sẽ phải ghi nhận một khoản chi phí lớn do chênh lệch tỷ giá.

Một tham khảo, Ngân hàng Quân đội (MB) vừa đưa ra tư vấn khách hàng của mình mới đây, rằng: “Hiện tại, khi các nền kinh tế khác vẫn không thể khởi sắc và sự phụ thuộc vào kinh tế châu Á tăng dần thì nhu cầu đồng JPY cũng tăng cao; đặc biệt, nếu Trung Quốc bắt tay vào mua trái phiếu của Nhật thì đồng JPY sẽ tăng giá mạnh và dự báo tỷ giá USD/JPY sẽ về mức 86,46”. Theo đó, xu hướng JPY tăng giá là một khả năng cần dè chừng.

Biết trước mà khó tránh

Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính, kể từ năm 1992 đến nay đã là năm thứ 18 liên tiếp Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam vay vốn ODA. Nhật cũng là quốc gia luôn ở vị trí dẫn đầu trong số các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam thời gian qua, với tổng số vốn ODA cam kết cho đến cuối quý 1/2010 đã lên tới hơn 1.394  tỷ JPY.

Nguồn vốn trên chủ yếu tập trung cho phát triển cơ sở hạ tầng như năng lượng, giao thông, cảng biển, viễn thông… Nhiều doanh nghiệp đã tiếp nhận vốn để triển khai các công trình lớn như Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Phú Mỹ, Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, quốc lộ 10, quốc lộ 18, cầu Bính…

Và những năm gần đây, rủi ro tỷ giá liên quan đến các khoản vay của doanh nghiệp đã hiện hữu, thậm chí gây lo ngại ở một số trường hợp khi mà yêu cầu trích lập dự phòng đã san bằng cả khả năng chia cổ tức cho cổ đông.

Điển hình thời gian qua được tập trung phân tích là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Năm gần nhất, 2009, khoản nợ ngoại tệ tại công ty này là 34,35 tỷ JPY; với mức tăng của tỷ giá JPY/VND trong năm 2009, PPC phải ghi nhận tăng chi phí khoản chênh lệch tỷ giá là 540,7 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là khoản vay bằng JPY tại PPC hay tại nhiều doanh nghiệp khác theo nguồn ODA thường có kỳ hạn dài, có từ 5 - 10 năm, thậm chí lên tới 15 năm. Rủi ro từ biến động tỷ giá theo đó “đeo bám” trong một thời gian dài, trong khi khả năng chống đỡ của doanh nghiệp là thụ động, biết trước mà khó tránh.

Theo bà Cao Thị Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), để phòng ngừa rủi ro tỷ giá thì trên thế giới hiện những biện pháp thường dùng nhất là hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai, các hợp đồng hoán đổi chéo giữa các đồng tiền.

Còn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng hiện chỉ được phép cung cấp 2 sản phẩm: giao dịch mua bán kỳ hạn ngoại tệ và các hợp đồng hoán đổi tiền tệ, hoán đổi lãi suất trong đó VND là đồng tiền cơ sở.

Bà Nga cho biết, việc cung cấp các sản phẩm trên, các ngân hàng trong nước đều phải thực hiện tái bảo hiểm với các ngân hàng nước ngoài ở nước ngoài. Tuy nhiên, hạn chế trong cung cấp các sản phẩm này là hạn mức giao dịch kỳ hạn là rất ngắn và đồng VND không có khả năng chuyển đổi cao nên rất khó khăn cho các ngân hàng có thể cung cấp các sản phẩm có kỳ hạn lớn hơn 3 và 6 tháng; trong khi kỳ hạn của các khoản vay ODA của các doanh nghiệp thường là trung và dài hạn 5 - 10 năm,  thậm chí là 15 năm.

“Việc không khớp kỳ hạn như vậy khiến chỉ bảo hiểm được một phần rủi ro tỷ giá của khách hàng. Do đó thị trường hợp đồng kỳ hạn vẫn còn rất tiềm năng do có rất nhiều doanh nghiệp có nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá (đối với đồng JPY)”, bà Nga nói.

Tại MB, kinh nghiệm thực tế là tại các thời điểm tỷ giá JPY thấp, ngân hàng tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng kỳ hạn ngắn phù hợp với các quy định quản lý ngoại hối và phòng ngừa rủi ro cho khách hàng.

Hiện không chỉ các khách hàng có vay vốn ODA quan tâm đến các nghiệp vụ này mà ngay cả các doanh nghiệp thường xuyên giao dịch bằng đồng JPY cũng thường xuyên mua JPY kỳ hạn.

“Ngoài ra, đối với những khoản vay vốn với kỳ hạn dài, chúng tôi chủ yếu tư vấn cho khách hàng hoán đổi về các đồng tiền mạnh khác như USD và EUR trên cơ sở hợp đồng gốc là JPY. Các đồng tiền này thường có mức độ biến động giá so với VND thấp hơn và được quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Nga cho biết thêm.