Thách thức trong thu hút “đại bàng" FDI triển khai dự án lớn, công nghệ cao
Theo Bộ Tài chính, tuy kết quả thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính đến nửa đầu năm 2025 rất tích cực, nhưng còn chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao.
Chậm thu hút các “ông lớn” có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị
Cập nhật mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đầu năm nay đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng tới 32,6% so với cùng kỳ năm trước (cao nhất từ năm 2009), vốn FDI thực hiện tăng 8,1% khi đạt trên 11,7 tỷ USD.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu, tiếp đến là các ngành: Kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải…
Các quốc gia đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 nước dẫn đầu gồm: Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia đã chiếm tới 62,8% số dự án đầu tư mới và 65% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Tuy dòng vốn FDI thu hút mới và giải ngân tích cực, nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính, còn chậm thu hút những nhà đầu tư chiến lược với dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị, tạo dựng hệ sinh thái.
Bởi vậy, đến nay số lượng nhà đầu tư FDI lớn đầu tư vào nước ta còn khiếm tốn. Hoạt động đầu tư của họ mới chỉ tập trung vào số lượng rất ít ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.

Riêng trong ngành công nghiệp bán dẫn, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), đến nay mới có một số công ty lớn có vốn FDI đang giữ vai trò chủ chốt trong ngành này ở Việt Nam như: Qualcomm, Amkor, Intel, SK Hynix và NXP Semiconductors (đã thành lập văn phòng, trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam); Infineon (Đức) đang có kế hoạch mở rộng hoạt động nghiên cứu phát triển ở Việt Nam.
Với lĩnh vực công nghệ hydrogen, hiện cũng mới có một số tập đoàn hàng đầu thế giới như: SK (Hàn Quốc), John Cockerill (Bỉ) đã và đang thảo luận để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các cơ sở sản xuất trọng yếu cho ngành này ở Việt Nam như sản xuất máy điện phân.
Thực tế trên đang đặt ra đòi hỏi cần có những giải pháp mới mang tính hiệu quả cao, tạo ra ưu thế cạnh tranh khác biệt so với các nước, để giúp Việt Nam sớm thành công trong thu hút nhiều "ông lớn" FDI tầm cỡ quốc tế đầu tư vào các dự án lớn, công nghệ cao, có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị.
Cần những giải pháp đột phá
Để tạo ra lực hút với các nhà đầu tư FDI lớn gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời tới, trong thẩm quyền và trách nhiệm được giao, Bộ Tài chính đang chủ động, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp.
Theo đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như: Vân Đồn, Vân Phong, các khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Cùng với đó là khẩn trương xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”, “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh”. Kịp thời tham mưu xử lý, tháo gỡ ngay các vướng mắc, kiến nghị cho các dự án FDI lớn, giải quyết nhanh thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ngoài ra, theo Cục Đầu tư nước ngoài, cần thành lập một số Tổ công tác chuyên biệt để trực tiếp đàm phán, hỗ trợ các tập đoàn lớn vào đầu tư tại Việt Nam như: Nvidia, SK… Lựa chọn các nhà đầu tư tiềm năng trong các lĩnh vực trọng điểm như: Công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao…, để chủ động tiếp cận trao đổi, mời gọi vào đầu tư tại Việt Nam.
Cũng cần tập trung hình thành hệ thống cơ chế, chính sách ưu đãi đồng bộ, đủ mạnh, để ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như: Trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.
Đồng thời, phát triển các khu vực có cơ chế, chính sách đặc thù và cải thiện kết nối toàn cầu.