Để công nghệ vào cùng dòng vốn
Tại hội thảo mới đây bàn về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2035, các số liệu về công nghệ của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói riêng và nền kinh tế nói chung đã khiến nhiều người bất ngờ.
Dù khu vực này đóng góp trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 72% giá trị xuất khẩu, song tỷ lệ doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ châu Âu và Hoa Kỳ chỉ chiếm khoảng 6%; doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ Trung Quốc chiếm tỷ lệ khá cao, từ 30-40%; doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ có từ năm 2000-2005 chiếm tới hơn 65%.
Theo các chuyên gia, những số liệu trên đáng quan ngại. Việc sử dụng công nghệ lạc hậu không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn kéo theo hệ lụy và tác động lâu dài đến sức khỏe người dân, hệ sinh thái. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến hiệu ứng lan tỏa của khu vực này với nền kinh tế không đạt kỳ vọng, chưa tương xứng với ưu đãi được hưởng.
Nhìn ở góc độ tổng thể, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có chính sách để vốn FDI đi cùng công nghệ hiện đại. Những chính sách này bảo đảm việc đầu tư vào ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…
Thêm nữa, trong khi "ta" đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế thì "tây" cũng làm điều tương tự. Xu thế chung hiện nay của các tập đoàn đa quốc gia là chuyển dịch đầu tư về Việt Nam trong quá trình cơ cấu lại chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.
Để tận dụng cơ hội này, và nhất là không để lặp lại câu chuyện công nghệ lạc hậu, bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, điểm mấu chốt phải xây dựng được các ngành công nghiệp hỗ trợ hiện đại, mở rộng kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu của công ty đa quốc gia; ưu đãi đột phá cho các dòng vốn FDI có chất lượng, tạo giá trị gia tăng cao…
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế kiểm soát các địa phương trong việc đảm bảo thu hút nguồn vốn FDI theo đúng định hướng trên.