Để gạo sạch Việt Nam vươn tầm thế giới
Xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt cho người Việt là nền tảng vững chắc để đưa hạt gạo Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Tại Hội thảo "Gạo sạch Việt Nam - Khẳng định vị trí - Vươn tầm quốc tế” được tổ chức ngày 21/12 trong khuôn khổ Festival Lúa gạo lần 3 (được tổ chức tại TP. Tân An, tỉnh long An) các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp đã thảo luận về cấu trúc thị trường gạo, ảnh hưởng của nó đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, đồng thời chia sẻ các giải pháp giúp đưa gạo sạch vươn tầm thế giới.
Tăng tỷ lệ gạo thơm, gạo đặc sản
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, Việt Nam đang giữ vững vị thế là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu trung bình hằng năm từ 5 - 7 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,5 - 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo cả năm 2018, gạo xuất khẩu giữ vững đà tăng trưởng, có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.
Những năm qua, gạo Việt Nam xuất khẩu có thị trường ổn định, nhiều nhất là các thị trường ở châu Á, chiếm khoảng 70%. Trong đó, Trung Quốc đứng đầu, chiếm bình quân 35%/năm trong vòng 5 năm qua, kế đến là Philippines, Indonesia, Malaysia.
Nhiều nước ở châu Phi cũng là thị trường chiếm tỷ trọng cao của gạo nhập khẩu từ Việt Nam với trên 28% vào năm 2013, nhưng sau đó giảm mạnh do có sự cạnh tranh giá gạo trắng thông thường của Ấn Độ và Thái Lan, và nay đã bù lại bằng loại gạo thơm do chất lượng thích hợp.
Ở thị trường châu Mỹ, gạo Việt Nam xuất khẩu đứng thứ ba, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 7%/năm. Châu Đại Dương là thị trường mới nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng rất có tiềm năng, hiện chiếm tỷ trọng gần 5% trong năm 2017.
Nếu thỏa mãn nhu cầu thị trường gạo trong nước thì xem như đã thỏa mãn được gần 100 quốc gia trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Dù đạt được nhiều thành quả như trên nhưng cần phải nhìn nhận là đầu ra của hạt gạo Việt vẫn chưa ổn định và luôn chịu rủi ro về giá. Do đó, Quyết định số 942/QĐ-TTG ngày 3/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ Về chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030 được điều chỉnh giảm dần lượng gạo xuất khẩu rồi giữ ổn định và tăng giá dần.
Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2020, xuất khẩu khoảng 4,5 đến 5 triệu tấn gạo/năm, giá trị bình quân 2,2 - 2,3 tỷ USD, giai đoạn 2021 - 2030 là 4 triệu tấn gạo/năm, giá trị vào năm 2030 đạt 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu ấy thì gạo thương phẩm cấp thấp và trung bình không vượt quá 20%, tăng tỷ trọng gạo trắng cấp cao lên 25%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 30%, gạo nếp chiếm khoảng 20%, còn lại là các loại gạo có giá trị gia tăng cao, như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2030, gạo trắng xuất khẩu chiếm khoảng 25%, gạo cấp thấp không quá 10%, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp chiếm khoảng 25%, các loại gạo có giá trị gia tăng cao phải đạt hơn 10%.
Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM Trần Anh Tuấn chia sẻ về những điểm yếu của "vựa lúa" Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như sau: "Kim ngạch xuất khẩu gạo gia tăng hằng năm, nhưng cơ cấu gạo xuất khẩu chậm thay đổi, chủ yếu xuất hàng thô, sơ chế, năng lực cạnh tranh kém. Nếu vùng ĐBSCL cứ tiếp tục phát triển lúa gạo theo chiều rộng sẽ không hiệu quả và rơi vào bẫy phát triển không bền vững".
Theo ông Trần Anh Tuấn, để hội nhập với kinh tế thế giới, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vùng ĐBSCL cần phải khắc phục những yếu kém, tồn tại nhằm nâng cao năng lực kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đối với người trồng lúa.
Chú trọng thị trường nội địa
Ở góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt cho người Việt là nền tảng vững chắc để đưa hạt gạo Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, thị trường nội địa vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam, trong đó có 30 - 40% sản lượng lúa gạo của ĐBSCL, do đó ĐBSCL cần đóng vai trò là nơi xây dựng và kiểm nghiệm chuẩn mực về chất lượng gạo, thương hiệu và nguồn gốc xuất xứ gạo của Việt Nam.
Việt Nam có khoảng 100 triệu dân nhưng thương hiệu gạo lại quá ít. Việc nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt Nam không chỉ hướng ra bên ngoài mà quan trọng là thị trường trong nước.
Dựa trên cấu trúc hiện thời của thị trường lúa gạo Việt Nam, TS. Thành đề xuất nên khuyến khích phát triển khu vực xay xát và chế biến. Từ đó, các doanh nghiệp khu vực này tích tụ được vốn để trang bị máy móc hiện đại, có thị trường ổn định, có điều kiện đầu tư, xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu. "Có thể coi biện pháp ấy là lựa chọn chiến lược quyết định tương lai vị thế ngành lúa gạo Việt Nam", TS Thành khẳng định.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Sánh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL cho rằng, xây dựng thương hiệu gạo Việt không chỉ hướng ra thị trường nước ngoài mà còn phục vụ thị trường trong nước. Nếu thỏa mãn nhu cầu thị trường gạo trong nước thì xem như đã thỏa mãn được gần 100 quốc gia trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).