Để hàng Việt "bám rễ" thị trường Hoa Kỳ
Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam cán mốc 100 tỷ USD. Dư địa xuất khẩu sang thị trường này còn rất lớn.
Nhiều tin vui với hàng Việt thị trường Hoa Kỳ
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025.
Trước đó, vào tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh dây Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh dây sang Hoa Kỳ mỗi năm sẽ đạt từ 50 - 100 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa.
Tin vui này của trái chanh dây đã và đang kỳ vọng sẽ nối dài thành tích xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam với 108,94 tỷ USD, tăng 24% (tương ứng tăng tới 21,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đáng chú ý, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất đến nay mà nước ta đạt được mốc kim ngạch tram tỷ đô.
Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ thị trường Việt Nam. Trong đó riêng với nông lâm thuỷ sản, Hoa Kỳ hiện chiếm thị phần 21,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau 11 tháng. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng 24,6%. Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, trong ba năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang thị trường này tăng 30 - 45% mỗi năm. Trong khi tốc độ tăng trưởng mặt hàng này tại EU bình quân 10 - 20% một năm. Vì vậy, Hoa Kỳ thực sự là thị trường tiềm năng cho hoa quả, trái cây của Việt Nam.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn nhập khẩu nhiều nhóm mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, da giày… Lợi thế của hàng hoá Việt Nam chính là chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Sẵn sàng đối diện với hàng rào phòng vệ thương mại
Bên cạnh kim ngạch tăng cao, số vụ phòng về thương mại từ Hoa Kỳ với hàng xuất khẩu Việt Nam có chiều hướng tăng theo. Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là nước điều tra phòng vệ thương mại lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam. Riêng 11 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra mới 11 vụ việc với Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tra bởi Hoa Kỳ cũng ngày càng đa dạng. Từ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu rất lớn như pin năng lượng mặt trời (trị giá xuất khẩu 4,2 tỷ USD), tủ gỗ (2,7 tỷ USD) đến những mặt hàng giá trị rất thấp như khay đúc màng sợi (50 triệu USD) hay đĩa giấy (9 triệu USD) cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Qua công tác hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, Cục Phòng vệ thương mại thông tin, số lượng vụ việc tăng dần qua các năm. Riêng năm 2024 hiện đã có 11 vụ, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Đặc biệt, Hoa Kỳ điều tra rất nhiều vụ việc chống trợ cấp trong năm nay. Đây là tiền lệ mới vì trước đây họ rất ít điều tra vấn đề này với Việt Nam. Thời điểm từ năm 2023 trở về trước chỉ điều tra có 9 vụ thôi nhưng riêng năm 2024 đã có 5 vụ.
Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Vấn đề phòng vệ thương mại với thị trường Hoa Kỳ" do Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hoa Kỳ là điều kiện tiên quyết, đặc biệt là minh bạch hóa quy trình sản xuất và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Ông Hoà nhấn mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, nhất là đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho biết, Hoa Kỳ là thị trường lớn của Việt Nam, song đây cũng là thị trường “chăm” áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Doanh nghiệp Việt Nam phải đặc biệt chú ý đến hoạt động cảnh báo sớm mà Bộ Công Thương thực hiện thời gian qua để hạn chế tối đa nguy cơ hàng hoá bị thị trường này áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ để đối diện với các biện pháp phòng vệ từ phía bạn.
“Cơ quan chức năng cần kiểm tra kỹ, tránh tối đa việc chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp vào Việt Nam để gian lận xuất xứ hàng hoá. Đây là một trong những yếu tố then chốt để giữ vững thị trường Hoa Kỳ” – TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Ngoài ra, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố then chốt, đặc biệt đối với các mặt hàng nông sản và thực phẩm, cần đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, bảo vệ thực vật, và môi trường. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng để nắm bắt kịp thời các thay đổi trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, từ đó xây dựng chiến lược ứng phó hiệu quả.