Để hàng Việt không bị ‘nhận nhầm’

PV.

Có một thực tế là rất ít sản phẩm Việt được thế giới biết đến với thương hiệu của Việt Nam. Thậm chí, có những trường hợp hàng Việt còn bị người tiêu dùng nước nhập khẩu hiểu nhầm là của nước khác.

Cà phê Việt Nam
Cà phê Việt Nam

Năm 2015, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam đạt 22 tỷ USD, chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu gạo, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, còn xuất khẩu chè trong TOP 5 thế giới...

Song, nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu đi các nước lại không được biết đến là thương hiệu của Việt Nam. Các nông sản, thủy sản khác chủ yếu dùng thương hiệu nhà bán lẻ nước ngoài.

Ví dụ, Hàn Quốc đang nhập tới 90% cà phê của Việt Nam, nhưng hầu hết người tiêu dùng nước này lại nhầm tưởng là cà phê Brazil. Còn với sản phẩm thực phẩm chế biến công nghiệp, chỉ có một vài thương hiệu của doanh nghiệp được biết đến như cà phê Trung Nguyên, Vinamit, mì Acecook…

Bên cạnh đó, nông sản của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại, thị trường mù mờ, nhiều sản phẩm lệ thuộc vào thương lái nước ngoài. Gần đây tuy có xuất khẩu một số trái cây vào thị trường các nước phát triển, nhưng nhỏ lẻ, không có sự nhận biết rõ ràng về sản phẩm hoặc thương hiệu.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn cho biết, trong các khâu của chuỗi sản xuất, từ giống, chất lượng, tiêu chuẩn hóa, an toàn vệ sinh, kỹ thuật chế biến, bán hàng... khâu nào cũng có những vấn đề. Thậm chí, doanh nghiệp có sản phẩm tốt, nhưng không biết bán hàng, không có thị trường vững chắc, dẫn đến sản xuất không phát triển.

Ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng nhận xét, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn về nông sản, nhưng việc tạo ra giá trị tăng của nhiều mặt hàng còn thấp. Trong khi đó, thương hiệu không chỉ là việc đưa ra một cái tên cho sản phẩm, mà cần tổ chức lại hệ thống logistic và kiểm soát được chất lượng của cả chuỗi sản phẩm.

"Nhà sản xuất thực phẩm phải xem xét chuỗi cung cụ thể và việc tận dụng thành công các chỉ dẫn địa lý là cách tốt nhất để nâng cao giá trị và thương hiệu cho sản phẩm, ngành hàng đó", Đại sứ Bruno Angelet chia sẻ.

Các chuyên gia nước ngoài đều nhận thấy, Việt Nam có tiềm năng về ngành thực phẩm. Tuy nhiên, làm thế nào để định vị Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp lớn, để người tiêu dùng thế giới biết đến sản phẩm Việt Nam, là thách thức không nhỏ.

Ông Julian Hill, chuyên gia tư vấn thương hiệu của Tổ chức Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) nhận định, việc xây dựng thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam vừa thúc đẩy xuất khẩu, bổ sung giá trị gia tăng vào sản phẩm nông nghiệp, vừa giúp cải thiện niềm tin của người tiêu dùng vào một ngành sản xuất chế biến an toàn và Việt Nam cần làm khi chưa quá muộn.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu thực phẩm của Việt Nam cần chú ý đến những đánh giá của người tiêu dùng về thực phẩm Việt Nam, từ đó có hướng đi của riêng mình.

“Chúng ta không thể copy cách làm của nước này hay sản phẩm nước đó vào cách làm của mình mà cần có câu trả lời riêng, có mô hình thống nhất tạo nên thương hiệu cho sản phẩm thực phẩm của Việt Nam”, ông  Leon Trujilo, chuyên gia tư vấn cao cấp Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu thực phẩm Việt Nam cho biết.

Nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam thời gian tới sẽ được đẩy mạnh, nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam.


Mục đích của Chương trình là tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế về giá trị của thực phẩm Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành thực phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới.