"Đánh trúng" nhiều vụ nhập khẩu hàng giả, hàng nhái
(Tài chính) Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Thủy - Đội trưởng Đội kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) - Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết.
Bảy tháng triệt phá 10 vụ buôn lậu hàng giả
Sau hơn gần 1 năm thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính (thực hiện Nghị quyết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013), Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành, trong đó lực lượng điều tra chống buôn lậu là nòng cốt đã triển khai các biện pháp đẩy mạnh chống buôn lậu, chú đến hoạt động vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái có nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tính từ tháng 5 đến nay, chỉ tính riêng Đội kiểm soát bảo vệ quyền SHTT-Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện và xử lý 10 vụ nhập khẩu hàng hóa ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng quan tâm là vụ việc vi phạm SHTT, hàng giả liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng bị Đội 4 phát hiện và xử lý chiếm hơn một nửa số vụ việc của đội triệt phá trong cả năm 2013 (24 vụ). Vụ việc nghiêm trọng nhất là ngày 18/8/2013, Chi nhánh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế nhập khẩu lô hàng nguyên liệu thuốc bắc qua cửa khẩu Lạng Sơn, bị cơ quan hải quan phát hiện có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã khởi tố (ngày 16/10) chuyển cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.
Các mặt hàng vi phạm là thực phẩm (tập trung chủ yếu vào thực phẩm chức năng), thuốc tân dược, thuốc đông y-nguyên liệu thuốc đông y, mỹ phẩm các loại đang được tiêu thụ mạnh và có giá trị cao trên thị trường.
“Các phương thức thủ đoạn vi phạm rất đa dạng và tinh vi. Hàng hóa khai báo không đúng số lượng, không đúng theo khai báo về tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu hàng giả các thương hiệu thực phẩm chức năng… Ghi nhãn hàng hóa phản ánh không trung thực về bản chất, nguồn gốc; chủ yếu hàng xuất xứ Trung Quốc như khai báo thuộc các nước phát triển như Ý, Đức, Mỹ, Canada… Khai trị giá hàng hóa thấp để gian lận thuế…”- ông Thủy cho biết thêm.
“Đùa giỡn” với tính mạng người tiêu dùng
Ông Thủy cảnh báo, mặt hàng dược liệu, thuốc đông y nhập khẩu qua các cửa khẩu các tỉnh miền Bắc (chủ yếu là Lạng Sơn) nhiều lô hàng bị cơ quan hải quan phát hiện không đảm bảo chất lượng, có chứa chất cấm, chất độc hại, tồn dư chất bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép, có thể nguy hại đén tính mạng người tiêu dung.
Cũng theo ông Thủy, các chủ đầu nậu buôn thuốc bắc thuê tư cách pháp nhân thông qua các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhập khẩu hàng không đảm bảo chất lượng. Chủ hàng còn dùng “chiêu” trộn lẫn hàng hóa trong một lô hàng gồm nhiều chủng loại thực phẩm, thuốc thành phẩm, dược liệu có độc tính… để buôn lậu, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan…
Tận tay, tận mắt trước những mặt hàng đông y bị Đội 4 thu giữ, có thể thấy được phần nào sự phức tạp và khó khăn trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm của lực lượng chức năng trong đó có cơ quan hải quan.
Đánh vào tâm lý không ngại chi tiền làm đẹp, gia tăng sức khỏe, kéo dài tuổi xuân; chữa các bệnh kinh…, nhiều mẫu thực phẩm chức năng (tảo biển, vây, sụn cá mập…) được làm giả các thương hiệu nổi tiếng, mà mắt thường cũng không thể phân biệt được…
“Đối với cơ quan chức năng, cũng phải là những cán bộ có kinh nghiệm và được đào tạo chuyên sâu, cùng với sự hỗ trợ của các chủ thương quyền mới có thể tìm ra được điểm nhận diện giữa hàng thật và giả…”- ông Thủy cũng thừa nhận.
Trở lại vụ việc điển hình, buôn lậu của Chi nhánh Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Y tế nêu trên cho thấy, tính chất, mức độ khá nghiệm trọng (buộc cơ quan Hải quan phải khởi tố). Doanh nghiệp này đã có hành vi khai man nhập khẩu 60 tấn hàng nguyên liệu thuốc bắc (trị giá hàng hóa hơn 1,2 tỷ đồng); có nhiều mẫu hàng hóa chứa độc tố cao.
Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an (ngày 27/9/2013) có đến 15/49 mẫu dược liệu không đạt yêu cầu về chất lượng. Có nhiều mẫu chứa hàm lượng lưu huỳnh, Asen cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cũng theo ông Thủy, việc quản lý mặt hàng là dược liệu thuốc đông y còn hết sức lỏng lẻo. Hiện nay, các văn bản pháp luật chưa quy định cụ thể về các chỉ tiêu chất lượng, không có một văn bản pháp quy nào của cơ quan chuyên ngành quy định về hàm lượng độc tố cho phép, lượng hóa chất, hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
“Việc này rất cần có sự vào cuộc của Bộ Y tế trong việc nghiên cứu, ban hành các tiêu chuẩn, các điều kiện nhập khẩu cho ngành hàng đông y dược, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng; tạo điều kiện cho cơ quan hải quan thực hiện chức năng kiểm soát xuất nhập khẩu…”ông Thủy nêu đề nghị.
-Đến nay đã có 440 nhãn hiệu đăng ký giám sát bảo vệ quyền SHTT ngay từ cửa khẩu biên giới với cơ quan hải quan.
-Lực lượng Điều tra chống buôn lậu hải quan đã ký kết biên bản hợp tác với 6 tổ chức hiệp hội ngành nghề trong nước và quốc tế trong việc đấu tranh chống vi phạm quyền SHTT, ngăn chặn buôn lậu hàng giả trốn thuế qua biên giới.
-Việc hợp tác giữa cơ quan điều tra hải quan với các hiệp hội, chủ thương quyền sẽ góp phần thiết thực mang lại lợi ích cho cơ quan quản lý nhà nước, kiểm soát được hoạt động xuất nhập khẩu, gian lận thương mại về giá, buôn lậu trốn thuế, vi phạm sở hữu trí tuệ, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước; bảo hộ sản xuất nội địa.