Nhượng quyền thương mại:
Con đường “ra biển” của thực phẩm Việt
(Taichinh) - Trong khi thống kê từ Tạp chí Health của Mỹ cho biết, thực phẩm Việt đứng thứ 3 trong danh sách 10 thực phẩm dân tộc có lợi nhất cho sức khỏe, thì nghiên cứu của Tạp chí Asian Journal of Food anh Agro tại Thái Lan cũng chỉ ra rằng, thực phẩm Việt luôn mang lại chú ý cho rất nhiều người tiêu dùng.
Gần đây hơn, một cuộc điều tra trên 100 người tiêu dùng tại hội chợ thực phẩm của trường Đại học Kasesrt (Bangkok, Thái Lan) cho thấy 90% trong số họ thích thưởng thức các món ăn Việt Nam. Điều đặc biệt là, tất cả các fan hâm mộ thực phẩm Việt đều đồng tình là các món ăn Việt Nam rất ngon miệng và bổ dưỡng, không quá béo, không quá cay… và nó là một sự cân bằng rất hợp lý cho sức khoẻ con người.
Đây chính là các minh chứng thuyết phục để các chuyên gia và giới nghiên cứu thị trường nhận định, ngành hàng thực phẩm của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Nanthorn Limtrakarn, Phó chủ tịch Hiệp hội quản trị Thái Lan “để đem thực phẩm Việt Nam đi chinh phục thế giới thì chỉ có chính DN Việt mới làm được, vì chỉ có họ mới có đủ tình yêu và niềm tự hào về những gì họ bán. Muốn vậy, ban đầu các bạn cần chinh phục thị trường gần như các nước Đông Nam á, Trung Quốc trước, sau đó mới vươn ra các thị trường khác. Nếu các DN Việt Nam có tầm nhìn và sự chuẩn bị cách đây 5 năm, thì bây giờ nhiều nhà hàng Thái, Trung Quốc, Nhật Bản phải ganh tỵ với sự phát triển của các bạn - ông Nanthorn Limtrakarn khẳng định.
Chia sẻ kinh nghiệm xâm nhập thị trường ngoại, ông Harrich Babla - Giám đốc điều hành Franchise Mind - một công ty chuyên về hỗ trợ nhượng quyền thương mại nói, tại các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines hay Indonesia, chính phủ luôn hỗ trợ các DN mang thực phẩm của quốc gia mình chinh phục thị trường thế giới. Cụ thể như với Malaysia, bất kỳ một thương hiệu thực phẩm nào có chiến lược vươn ra thế giới đều được hỗ trợ vốn vay thông qua Hiệp hội nhượng quyền quốc gia với lãi suất bằng 0. Mặc dù Việt Nam chưa có được các chính sách như vậy, nhưng nếu DN có chiến lược và biết cách kết hợp đi cùng nhau thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Theo đó, để đảm bảo thành công khi nhượng quyền ra nước ngoài, các DN Việt cần có một kế hoạch chuẩn bị chi tiết, tuân theo từng bước triển khai cơ bản. Cụ thể là, với việc lựa chọn đối tác nhượng quyền, phương thức phổ biến trên thế giới hiện nay là công ty nhượng quyền chọn một đối tác độc quyền tại một quốc gia nào đó để trao quyền đại diện thương hiệu của mình tại thị trường này, gọi là đối tác nhận nhượng quyền độc quyền (Master Franchisee). Đây là việc rất quan trọng, cần kiên trì tìm hiểu, chọn lọc đứng đối tác có cùng đam mê với thương hiệu, có tính cam kết cao và đặc biệt chia sẻ về tầm nhìn phát triển của thương hiệu tại thị trường địa phương. Khi đối tác đã đáp ứng được điều kiện “chia sẻ” thì việc tiếp theo cần xem xét là, kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch tài chính của họ - phải hết sức rõ ràng và sẵn sàng cho việc kinh doanh. Nếu chọn đúng đối tác, dự án của DN coi như đã đạt được 50% tiềm năng thành công.
Phần việc quan trọng tiếp theo là, đảm bảo chất lượng và dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn của DN đưa ra ban đầu, để thực hiện việc này một cách hoàn hảo cũng như có thể liên tục kiểm tra sau này, DN nhượng quyền cần thiết lập một cẩm nang hoạt động (Operational manual) càng chi tiết càng tốt; đồng thời sau đó cần có chương trình đào tạo thật cụ thể đến đối tác nhận nhượng quyền. Nên ghi nhớ là, DN đầu tư cho công việc này càng nhiều, lợi ích thương hiệu thu được về sau càng lớn.
Vấn đề cốt yếu mà các DN cần lưu ý là, phát triển kinh doanh qua phương thức nhượng quyền thương mại chỉ có được khi có hiệu ứng chuỗi, vì đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để mang thương hiệu sản phẩm đến khách hàng, cũng như các đối tác nhận nhượng quyền tiềm năng khác. Vì thế, DN nhượng quyền cần thảo luận kỹ với đối tác nhượng quyền về vị trí của cửa hàng, cũng như kế hoạch chiếm lĩnh thị trường khu vực hay thành phố đã lựa chọn. Một khi xác định được khu vực cần chiếm lĩnh thì phải nhanh chóng mở càng nhiều cửa hàng càng tốt, nhằm tạo ra một hiệu ứng tâm lý lớn giúp DN mở rộng đến các thị trường lân cận.