Để hút “đại bàng” vào đặc khu
Thể chế vượt trội chính là kỳ vọng chung của những nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế - đối tượng tiềm năng mà 3 đặc khu của Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên những mong đợi này dường như đang bị dự thảo luật bỏ quên.
Là người nhiều năm giữ vai trò cố vấn cho dự án xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, GS. Hà Tôn Vinh không thể quên câu chuyện “đại bàng” từ Mỹ đã từng tìm đến đây vào năm 2013 với ý định thăm dò, xây tổ, rồi sau đó nhanh chóng dời đi, để lại 4 câu hỏi.
Thứ nhất, tỉnh Quảng Ninh chủ trương xây dựng bao nhiêu đặc khu kinh tế? Thứ hai, bao giờ Việt Nam có luật về đặc khu? Thứ ba, thẩm quyền của người đứng đầu? Thứ tư, bao giờ Vân Đồn có đủ điều kiện hạ tầng, mà quan trọng nhất là sân bay?
Ảnh minh họa |
Thời điểm đó, dù tỉnh rất nhiều quyết tâm nhưng do không có đủ thẩm quyền để giải đáp 4 câu hỏi trên, nên đành bỏ lỡ cơ hội. Qua 5 năm, đến nay Quảng Ninh đã tự tin trả lời gần hết các vấn đề trong quá khứ, với dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã thành hình, và sân bay Vân Đồn đang được gấp rút xây dựng.
Tuy nhiên, vấn đề vai trò và thẩm quyền của người đứng đầu đặc khu, mà đằng sau đó là kỳ vọng về thể chế vượt trội vẫn khiến GS. Hà Tôn Vinh băn khoăn. Dự thảo luật quy định 3 đầu mối chính quyền là hội đồng đặc khu, ủy ban đặc khu và trưởng đặc khu. “Như vậy trưởng đặc khu làm gì phải báo cáo chỗ này, báo cáo chỗ kia, trong khi đáng lý ra đây phải là người có quyền cao nhất, và vai trò này cần thể hiện thống nhất trong chính sách”, ông chỉ ra khúc mắc.
Thể chế vượt trội cũng chính là kỳ vọng chung của những nhà đầu tư đẳng cấp quốc tế - đối tượng tiềm năng mà 3 đặc khu của Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên những mong đợi này dường như đang bị dự thảo luật bỏ quên. Thay vào đó, các ưu đãi dày lên sau mỗi lần sửa đổi lại làm dấy lên lo ngại 3 đặc khu sẽ tiếp diễn “cuộc đua xuống đáy” trong thu hút đầu tư, trong khi lại biến đặc khu trở thành cái tổ quá chật hẹp cho “đại bàng”.
Thực tế cho thấy, trong 4 câu hỏi của tỷ phú Mỹ đặt ra cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh, hoàn toàn không đề cập trực tiếp tới các chính sách ưu đãi. Thay vào đó, nhà đầu tư quan tâm hơn cả tới vị trí chiến lược, thể chế, hạ tầng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng tự tin chia sẻ, với chủ trương xây dựng đặc khu, lần đầu tiên chúng ta tự tạo dựng một sân chơi và đặt ra luật chơi. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng cần đặt câu hỏi các nhà đầu tư hưởng ứng và chấp nhận luật chơi này đến đâu.
Trên thực tế, các mô hình đặc khu thành công ở ngay sát Việt Nam có thể phần nào giải đáp cho câu hỏi trên. Đơn cử như Trung Quốc hiện nay hầu như không quy định chính sách ưu đãi về thuế, hoặc chỉ áp dụng ở giai đoạn đầu và dần dỡ bỏ. Thay vào đó, các đặc khu ở đây tập trung vào đổi mới, hiện đại cơ chế quản lý thuế, xây dựng hệ thống quản lý điện tử, minh bạch, công khai. Các mô hình khác ở Macao hay Singapore cũng tập trung vào ưu đãi phi kinh tế thông qua đột phá cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư…
Ở thế ngược lại, các mô hình đặc khu kinh tế thất bại với tỷ lệ ước tính lên tới 50%, cũng phát đi những thông tin đáng lưu ý. Thực tế ở một số nước cho thấy rằng việc chỉ tập trung ưu đãi về thuế và đầu tư kết cấu hạ tầng chỉ dựa vào ngân sách nhà nước để bù lại những bất lợi về vị trí địa lý hay kết cấu hạ tầng kém phát triển là không hiệu quả.
Đơn cử như tại Ấn Độ, nguyên nhân không thành công của mô hình đặc khu là do việc thành lập tràn lan và áp dụng mức ưu đãi thuế dài hạn và tỷ lệ ưu đãi lớn, gây thất thu cho ngân sách quốc gia. Ngoài ra, thể chế kinh tế và hành chính của các đặc khu kinh tế Ấn Độ về cơ bản không có sự vượt trội rõ rệt.
Bài học nhãn tiền từ hơn 4.500 đặc khu kinh tế tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy, việc có thu hút được “đại bàng” vào đặc khu kinh tế hay không, phụ thuộc rất lớn vào thể chế. Thiếu thể chế vượt trội, ưu đãi dù nhiều thế nào cũng là quá ít để làm tổ cho “đại bàng”.