Để hút FDI chất lượng cao

Hải An

(Tài chính) Hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế nhất định. Để khắc phục những bất cập nêu trên, vấn đề nâng chất dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được nêu ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Định hướng chung

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài thì khu vực FDI hiện vẫn là khu vực kinh doanh năng động, ổn định và hiệu quả, trong đó đầu tư nước ngoài đóng góp khoảng 21 - 30% trong tổng vốn đầu tư phát triển xã hội. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp gần 20% GDP cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hoạt động đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Đó là chất lượng của nhiều dự án nhìn chung chưa cao, số dự án sử dụng công nghệ cao còn ít, giá trị gia tăng thấp, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số DN sử dụng công nghệ lạc hậu; gây ô nhiễm môi trường; một số DN có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách…

Để khắc phục những bất cập nêu trên, vấn đề nâng chất dòng vốn FDI đã được nêu ra. Nghị Quyết số 103/NQ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ cũng đã đặt ra định hướng thu hút FDI trong thời gian tới là:

- Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại...

- Tăng cường thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất; lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín đầu tư phát triển thị trường tài chính; đồng thời, chú trọng đến các dự án có quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương.

- Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.

- Quy hoạch thu hút FDI theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng, từng ngành để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng, phù hợp với quy hoạch chung, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Cách làm riêng

Chia sẻ về quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những năm qua, Đồng Nai chú trọng phát triển kinh tế, nhưng gắn với đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Tỉnh đưa ra những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Đối với công nghiệp, Đồng Nai đã thực hiện chọn lọc dự án theo hướng ưu tiên phát triển dự án các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có giá trị gia tăng cao, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện môi trường, hạn chế dần các dự án thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp.

Đặc biệt, nhằm bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh đã tạm dừng hoặc hạn chế cấp giấy phép đầu tư một số loại dự án có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Ngoài ra, đối với các khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải, hoặc có trạm xử lý nước thải đang hoạt động, nhưng không đảm bảo công suất, thì vẫn không được thu hút đầu tư.

Để tăng cường chất lượng công tác thu hút đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và phù hợp chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai giai đọan 2014-2015, tầm nhìn 2020, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định 2163/QĐ-UBND về việc ban hành danh mục dự án thuộc ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, thu hút đầu tư có điều kiện và tạm dừng thu hút đầu tư trên địa bàn.

Theo đó, danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư gồm các dự án sử dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển ban hành kèm theo Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, các dự án thân thiện với môi trường; đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất sản phẩm phần cứng, phần mềm. Đối với lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, ưu tiên thu hút các ngành nghề: sản phẩm nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm...

Bên cạnh đó là danh mục dự án thuộc ngành nghề thu hút đầu tư có điều kiện và các dự án thuộc ngành nghề tạm dừng thu hút vốn đầu tư (sản xuất giấy, bột giấy từ nguyên liệu thô; chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su chưa sơ chế; sản xuất hóa chất cơ bản; nhà máy thuộc da, sơ chế da...).

Lý giải về quyết định trên, ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, đã đến lúc, tỉnh không thu hút FDI bằng mọi giá, mà chú trọng chất lượng dự án, nhằm thực hiện đúng định hướng phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh.

TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đang hướng dòng vốn FDI đi vào chất lượng và hiệu quả. Ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết hiện các dự án FDI vào TP. Hồ Chí Minh đều hướng đến sản xuất sạch, như cơ khí, dược phẩm, chế biến thực phẩm và công nghệ sinh học, công nghệ cao và công nghệ thông tin do đây là những ngành ưu tiên thu hút đầu tư của Thành phố, doanh nghiệp (DN) đầu tư sẽ được nhiều ưu đãi về thuế, đất đai và nguồn nhân lực.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong thu hút FDI, định hướng ưu tiên của Bình Dương là thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp đã được quy hoạch và định hướng này đã và đang phát huy hiệu quả. Nhờ vậy mà thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư mới phần lớn đều tập trung vào các khu công nghiệp, nâng số lượng dự án và tổng vốn FDI đầu tư vào khu công nghiệp với tỷ lệ cao.

Còn tại Hà Nội, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong cả giai đoạn 2011 - 2020, Hà Nội cần thu hút 3,9 - 4,1 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 180 - 190 tỷ USD) để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, riêng trong giai đoạn 2012 - 2015, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 50 - 55 tỷ USD. 18 - 20% trong tổng nhu cầu này, Hà Nội mong muốn thu hút từ nguồn vốn FDI.

Tuy nhiên, “Các tập đoàn đa quốc gia, với các dự án lớn, công nghệ cao và có chuyển giao công nghệ sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết.

Các tiêu chuẩn cụ thể để thu hút FDI cũng đã được Hà Nội đặt ra. Chẳng hạn, đó là các đối tác hướng vào việc thực hiện tốt nhất nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước; ưu tiên những đối tác đã đầu tư vào Việt Nam và đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội; khi thu hút FDI phải làm sao vừa khai thác được sức mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài, vừa phát huy tối đa các nguồn lực trong nước.