Để huy động tốt nguồn lực từ khu vực kinh tế phi chính thức

PV.

Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo Khoa học “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, thảo luận về tiềm năng, những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm giúp quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ khu vực kinh tế này.

Từ nhiều góc nhìn tiếp cận khác nhau, tại Hội thảo các chuyên gia đã nhận diện những  hình thái cũng như tác động của lĩnh vực kinh tế này đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Theo PGS., TS. Thái Bá Cẩn, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, ở nước ta, các hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện ngày càng đa dạng, chiếm khoảng gần 30% GDP.

Nhìn chung khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng có xu hướng “phình to”. Theo Thống kê dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê về, quy mô lao động khu vực kinh tế này đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng số lao động phi chính thức năm 2016 là 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015.

Trong đó, lao động nữ chiếm trên 7,8 triệu người chiếm 43,5%. Trong 21 ngành Kinh tế do vụ Thống kê dân số và lao động khảo sát có 4 ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất: Làm thuê trong các hộ gia đình (99%), xây dựng (90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (80%), hoạt động khác (83%). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lao động phi chính thức được đào tạo, gần 98% không được đóng bảo hiểm. Đa số các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế này không có kỹ năng về nghiệp vụ kế toán (ở Hà Nội là 62%, TP. Hồ Chí Minh là 79%).

Điều này cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế nước ta, do vậy, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng mức để khu vực này phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện các quy định pháp luật và trách nhiệm hành chính hoạt động kinh tế phi chính thức đối với các nhóm đối tượng như: Kinh tế tự sản, tự tiêu mà đa số là các hộ nông dân ở nông thôn; Các nhóm sản phẩm này có đặc điểm là nhỏ lẻ, không ổn định, không đủ điều kiện đăng ký kinh doanh; Hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ kinh doanh có địa điểm cố định như hàng nước vỉa hè, bán hàng rong; Lao động nông nhàn có tính thời vụ: Lao động xây dựng, xe ôm…

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phê duyệt thủ tục cấp giấy phép kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể; xây dựng các chính sách khuyến khích hoạt động kinh tế phi chính thức phát; khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp tư nhân để hoạt động kinh doanh, có đăng ký và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước. Hiện nay, thủ tục cấp giấy phép còn khá phức tạp do sự chồng chéo, không phân định rạch ròi trách nhiệm giữa các cơ quan khiến các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tốn thời gian, tốn chi phí vì tiêu cực khiến các doanh nghiệp, hộ gia đình khó đăng ký giấy phép kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có chính sách đào tạo nghề cho người lao động khu vực kinh tế phi chính thức; tăng cường thực thi pháp luật, quản lý lao động trong khu vực kinh tế này nhằm chuyển số lao động không có hợp đồng thành lao động chính thức.