Kế toán quản trị đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong nền kinh tế hội nhập
Trong những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới đối với hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị sự nghiệp phát huy quyền tự chủ để phát triển đơn vị và giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Tự chủ tài chính là xu thế tất yếu của xã hội phát triển và các đơn vị sự nghiệp công lập có thu buộc phải thích nghi. Trong môi trường mới này, các đơn vị sự nghiệp công lập có thu sẽ có nhiều cơ hội để tự khẳng định mình nhưng cũng phải chịu không ít áp lực cạnh tranh vốn có của kinh tế thị trường.
Kế toán quản trị công là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác kế toán, là khâu quan trọng trong công tác quản lý kinh tế tài chính của một đơn vị. Việc tính đúng, tính đủ các yếu tố đầu vào và tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý, phân tích, cung cấp thông tin để phục vụ yêu cầu quản lý có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu.
Như vậy, bên cạnh việc phân tích nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ công, thì kế toán quản trị công là công cụ quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công lập có thu xác định thế mạnh của mình và xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.
Ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ – CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách vận dụng nhiều năm nay chưa được sửa đổi, chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước, xã hội và đối tượng phải đóng phí.
Do vậy, việc khuyến khích nhà đầu tư cho cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, vẫn còn tạo ra sự thiếu bình đẳng về điều kiện phát triển của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu với các đơn vị ngoài công lập và đặc biệt là các đơn vị có yếu tố nước ngoài.
Mặt khác, do bị ảnh hưởng bởi cơ chế cấp phát ngân sách nhà nước (NSNN) theo kiểu “xin - cho” trong một thời gian dài nên tình trạng trông chờ vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu được coi là một trong những cản trở lớn của tiến trình thực hiện chủ trương trao quyền tự chủ.
Điều này dẫn đến sự thụ động, thiếu linh hoạt và “đùn đẩy” trách nhiệm của các nhà quản lý trong việc quản lý hoạt động nói chung và quản lý tài chính nói riêng ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu.
Khắc phục những hạn chế trên, đầu năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16/2015/NĐ – CP ngày 14/2/2015, quy định quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và xác định rõ lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị này.
Nghị định nêu rõ, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Nhà nước đã xác định, tự chủ tài chính là xu hướng tất yếu mà các đơn vị sự nghiệp công lập buộc phải thích nghi.
Về cơ bản, các đơn vị sự nghiệp công lập có thu được quyền tự chủ trong hoạt động nhưng đồng thời sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Trong lĩnh vực công, khi vai trò của Nhà nước trong thế giới chuyển đổi xu hướng từ Nhà nước quyền lực, trị vì sang Nhà nước phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho công chúng, đòi hỏi hoạt động của khu vực công ngày càng phải hiệu quả và tiết kiệm hơn, như vậy vai trò của kế toán quản trị công lúc này thực sự cần thiết.
Kế toán quản trị công được thực hiện trong đơn vị sự nghiệp công lập có thu, vừa có tính chất quản lý vừa có tính chuyên môn học thuật của đơn vị, nhằm hỗ trợ cho nhu cầu thông tin; lập kế hoạch và ra quyết định của các cấp quản lý đơn vị. Tuy nhiên, do tác động của cơ chế bao cấp trong một thời gian dài nên công tác kế toán ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu hiện chỉ dừng lại ở việc phản ánh các khoản mục thu - chi theo hệ thống tài khoản và mục lục NSNN.
Việc tổ chức, vận hành công tác kế toán quản trị chưa được chú trọng, chưa mang tính hệ thống và khoa học ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, gây khó khăn cho các nhà quản lý trong việc lập kế hoạch, điều hành kiểm soát các hoạt động trong đơn vị. Cụ thể:
Một là, ngoài việc vận dụng hệ thống chứng từ theo quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp tại Quyết định 19/2006/QĐ - BTC là chủ yếu, các đơn vị sự nghiệp công lập có thu, sử dụng rất ít các chứng từ tự thiết kế và nếu có thì thiếu các yếu tố phục vụ cho nhà quản lý, nên chưa phản ánh hết bản chất nội dung của nghiệp vụ kinh tế phát sinh, gây ảnh hưởng lớn đến công tác hạch toán nội bộ.
Hai là, việc vận dụng hệ thống tài khoản kế toán ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu hầu như chưa xây dựng được hệ thống tài khoản chi tiết đủ để phục vụ cho công tác kế toán quản trị. Do hệ thống kế toán quản trị công chưa được chú trọng, nên các nhà quản lý trong đơn vị dường như luôn rơi vào tình trạng thiếu thông tin cần thiết cho mỗi quyết định, nhất là các quyết định về tài chính.
Ba là, hệ thống báo cáo kế toán của các đơn vị sự nghiệp công lập có thu hiện nay chủ yếu tập trung vào các báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Hầu hết, các đơn vị chưa chú trọng đến việc lập báo cáo nội bộ trên cơ sở phân tích so sánh kết quả hoạt động thực tế với số liệu dự báo, dự đoán.
Mặt khác, việc lập các báo cáo nhanh để cung cấp thông tin kịp thời cho nhà quản lý ra quyết định trong việc điều hành còn hạn chế, do việc thiết lập tiêu chí báo cáo và phối hợp kết nối giữa các bộ phận trong đơn vị chưa thống nhất.
Bốn là, về tổ chức công tác kế toán, cả bộ máy kế toán và nội dung kế toán ở hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập có thu đều tập trung vào kế toán tài chính là chủ yếu. Trong khi đó, nhu cầu về thông tin kế toán quản trị mang tính thường xuyên, hàng ngày lại chưa được quan tâm nhiều. Việc dựa vào số liệu của kế toán để phân tích và kỹ năng phân tích của nhân viên kế toán mới chỉ dừng lại ở khâu hạch toán, khiến cho kế toán quản trị chưa đáp ứng được yêu cầu của quản lý.
Năm là, về việc hạch toán giá, phí dịch vụ sự nghiệp công còn nhiều hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP đã quy định rõ về cơ chế tính giá, phí dịch vụ sự nghiệp công, tuy nhiên, thực tiễn triển khai cơ chế này đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Do vậy, các đơn vị sự nghiệp công lập hầu như chưa xây dựng được mô hình kế toán quản trị chi phí và giá thành dịch vụ phù hợp với đặc điểm hoạt động cung ứng dịch vụ công, làm suy giảm chức năng quản lý chi phí và giá thành dịch vụ của các đơn vị.
Sáu là, đơn vị sự nghiệp công lập có thu hiện nay mới tự chủ một phần, cho nên việc lập dự toán chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do hệ thống tổ chức đảm trách việc lập dự toán NSNN và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội có sự tách rời nhau; chưa tận dụng triệt để các công cụ quản lý trong xây dựng dự toán NSNN và lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội như công cụ phân tích dự báo, công cụ đánh giá rủi ro, công cụ kế toán.
Việc lập dự toán NSNN cũng chưa thực sự đổi mới, nên giữa lập dự toán NSNN và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa thực sự có sự gắn kết chặt chẽ.
Tóm lại, những tồn tại trên đang gây cản trở rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản trị nội bộ đơn vị, điều hành của các nhà quản lý, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ. Do vậy, hoàn thiện công tác kế toán quản trị công ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu là việc làm cần kíp.
Đổi mới và nâng cao năng lực quản trị trong một tổ chức cần phải gắn với việc phân cấp, phân quyền trong quản lý, có như vậy mới tăng tính trách nhiệm của các nhà quản lý các cấp. Đây là nền tảng để hoàn thiện công tác kế toán quản trị công ở các đơn vị sự nghiệp công lập có thu trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có thu là xu thế tất yếu mà các đơn vị sự nghiệp công lập có thu buộc phải thích nghi. Hoạt động trong môi trường mới, các đơn vị sự nghiệp công lập có thu cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, như vậy đơn vị mới có thể phát triển mạnh và bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2015), Nghị định 16/2015/NĐ- CP ngày 14/2/2015 về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;
2. PGS., TS. Trương Thị Thủy, TS. Ngô Thanh Hoàng, Bài giảng gốc Kế toán quản trị công, NXB Tài chính, 2015;
3. Nguyễn Thị Đào, Hoàn thiện công tác kế toán ở trường Đại học công lập, Hội kế toán TP. Hồ Chí Minh, 2015.