Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn triển khai dự án đường Hồ Chí Minh

Theo T. Hà/Báo Bình Thuận

Sáng 24/5, ngày làm việc thứ 2 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe các báo cáo quan trọng về triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn triển khai dự án đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Đề nghị Chính phủ bố trí nguồn vốn triển khai dự án đường Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66 và Kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết: Đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 6 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 3 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Dự án đã triển khai hoàn thành khoảng 2.362 km/2.744 km, đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang thực hiện 211 km; chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện 171 km còn lại nhằm nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh. Đại biểu Lê Quang Huy nhận thấy, trong 5 năm (2017-2021), việc triển khai dự án chỉ đạt khoảng 8% tổng khối lượng và đã chậm gần 2 năm so với yêu cầu hoàn thành các dự án thành phần, nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe theo quy định tại khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết và chưa rõ thời gian kết thúc.

Về nguồn vốn thực hiện dự án, đại biểu Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội. Cơ bản nhất trí với hạn chế và một số nguyên nhân trong triển khai thực hiện được Tờ trình đề cập, đại biểu Lê Quang Huy yêu cầu cần phân tích rõ hơn một số nguyên nhân sau: Vai trò, ý nghĩa của dự án quan trọng quốc gia mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh có lúc, có nơi còn chưa được nhận thức thật sự sâu sắc, đầy đủ và toàn diện nên chưa có sự quan tâm đúng mức; Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn chưa hết trách nhiệm, thiếu tập trung, quyết liệt và kịp thời…

Đối với mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2022 – 2025, đại biểu Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần, các đoạn còn lại trong giai đoạn 2022-2025. Về việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, đại biểu Huy đề nghị Chính phủ làm rõ việc tích hợp Dự án đường Hồ Chí Minh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã bảo đảm đầy đủ, toàn diện, hợp lý theo đúng tinh thần Nghị quyết hay chưa?. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch; cân nhắc thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi…

Cuối phiên họp sáng, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo đánh giá việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và thẩm tra Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Trong phiên họp chiều, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung này.