Đánh giá việc bố trí vốn đầu tư công: Kiểm toán viên cần thận trọng
Quy định về bố trí vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) thuộc kế hoạch đầu tư công hằng năm đã mâu thuẫn ngay từ Luật Đầu tư công. Điều này gây khó khăn cho kiểm toán viên nhà nước trong công tác đánh giá việc bố trí vốn đầu tư công.
Bố trí vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản - mâu thuẫn ngay từ Luật Đầu tư công
Việc bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công kể từ khi Luật Đầu tư công năm 2014 có hiệu lực thi hành đã có những chuyển biến tích cực như: bố trí vốn tập trung, tránh dàn trải, thiếu trọng tâm, giảm cơ chế “xin - cho”... Các quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm toán viên nhà nước đánh giá việc bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công hằng năm và trung hạn của các Bộ, ngành T.Ư và địa phương. Tuy nhiên, việc đánh giá công tác bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB trong kế hoạch đầu tư công hằng năm lại gặp khó khăn do mâu thuẫn ngay từ Luật Đầu tư công.
Cụ thể, khoản 19, Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2014 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2019) và khoản 20, Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2020) quy định: “Nợ đọng XDCB là giá trị khối lượng thực hiện đã được nghiệm thu của dự án thuộc kế hoạch đầu tư công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chưa có vốn bố trí cho phần khối lượng thực hiện đó”.
Khoản 2, Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 quy định: “Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày Luật này có hiệu lực” và khoản 4, Điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 01/01/2015”. Như vậy, cả 2 Luật Đầu tư công đều xác định không bố trí vốn đầu tư công để thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh kể từ ngày 01/01/2015 trở về sau. Bên cạnh đó, theo khoản 4, Điều 8 Luật NSNN năm 2015 có hiệu lực kể từ năm ngân sách 2017: “Ngân sách các cấp, đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, dự toán chi ngân sách làm phát sinh nợ khối lượng XDCB…”, nghĩa là không để phát sinh nợ đọng XDCB.
Thế nhưng, điểm a, khoản 4, Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2014, điểm a, khoản 4, Điều 51 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án trong từng ngành, lĩnh vực được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: “Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn”, nghĩa là bố trí vốn cho dự án đang có nợ đọng XDCB.
Tuy nhiên, Luật không nói rõ dự án có nợ đọng XDCB từ ngày 01/01/2015 trở về trước hay bất kỳ dự án có nợ đọng XDCB nào cũng được ưu tiên bố trí vốn. Ngoài ra, điểm 1, Mục I Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 quy định Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cần tập trung phân tích nội dung: “Số dự án có nợ đọng XDCB đã bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tình hình bố trí vốn các năm 2016-2019 để thanh toán nợ đọng XDCB, số vốn còn lại phải bố trí để thanh toán nợ đọng XDCB trong năm 2020” nhưng không nói rõ nợ đọng XDCB phát sinh từ thời điểm nào.
Như vậy, quy định về bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB thuộc kế hoạch đầu tư công hằng năm đã mâu thuẫn ngay từ Luật Đầu tư công.
2 tình huống đối với kiểm toán viên
Sự mâu thuẫn trên gây khó khăn cho kiểm toán viên nhà nước trong công tác đánh giá việc bố trí vốn đầu tư công. Nếu kiểm toán viên đánh giá địa phương chưa ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công để thanh toán vốn cho dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn (dự án có nợ đọng XDCB) theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2014 (đối với kiểm toán năm ngân sách 2019) và điểm a, khoản 4, Điều 51 Luật Đầu tư công năm 2019 (đối với kiểm toán năm ngân sách 2020 trở về sau) thì việc này lại mâu thuẫn tương ứng với quy định tại khoản 2, Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 và khoản 4, Điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019.
Còn nếu kiểm toán viên đánh giá vẫn bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng XDCB kể từ sau ngày 01/01/2015 là chưa phù hợp theo quy định tại khoản 2, Điều 106 Luật Đầu tư công năm 2014 hoặc khoản 4, Điều 101 Luật Đầu tư công năm 2019 thì việc này lại mâu thuẫn tương ứng với khoản 4, Điều 54 Luật Đầu tư công năm 2014 và khoản 4, Điều 51 Luật Đầu tư công năm 2019.
Do vậy, khi gặp tình huống này, kiểm toán viên cần thận trọng để đánh giá, kiến nghị, tránh sự phản ứng của đơn vị được kiểm toán bởi việc bố trí vốn thanh toán nợ đọng XDCB kể từ ngày 01/01/2015 trở về sau đã được hiểu theo 2 cách khác nhau trong cùng Luật Đầu tư công.