Đề nghị quản thị trường chứng khoán chặt hơn

Theo TBKTSG

Những tháng gần đây, các hiện tượng tiêu cực như công ty chứng khoán, cổ đông lớn thao túng thị trường, cổ đông nội bộ giao dịch nhưng không công bố thông tin... đang khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc. Tại hội thảo "Thị trường chứng khoán 2010, cơ hội và thách thức", nhiều đại biểu đề nghị phải có biện pháp quản lý thị trường gắt gao hơn.

Một đại biểu tại hội thảo đưa ra ví dụ về trường hợp bà Nguyễn Thị Kim Phương vừa bị Ủy ban Chứng khoán quyết định xử phạt: vào ngày 3-2, bà Phượng chào mua công khai 1,3 triệu cổ phiếu VTV của Công ty cổ phần vận tải Xi măng với mục đích tăng tỷ lệ nắm giữ. Giá cổ phiếu VTV vào thời điểm này khoảng 40.000 đồng. Đến ngày 24-3, bà Phượng đã bán 557.800 cổ phiếu VTV (chiếm 8,5% khối lượng niêm yết của cổ phiếu này) nhưng không thông báo với Ủy ban Chứng khoán và cũng không công bố thông tin theo quy định. Giá khớp lệnh trong giao dịch này là 55.000 đồng/cổ phiếu, như vậy bà Phượng đã có lãi 8,3 tỉ đồng chỉ sau một tháng rưỡi đầu tư.

Đa dạng thủ đoạn trục lợi

Theo vị đại biểu này, bà Phượng mua cổ phiếu VTV không phải để nắm giữ mà chào mua công khai để kích giá. Trong báo cáo giải trình việc giá cổ phiếu VTV tăng trần quá 5 phiên liên tiếp Công ty Vận tải xi măng cũng khẳng định việc mua cổ phiếu của bà Phượng là yếu tố khiến giá cổ phiếu này liên tục tăng. Đà tăng giá của VTV đã khiến nhiều nhà đầu tư tăng mua vào; khi giao dịch bán ra của bà Phượng thực hiện xong cũng là lúc cổ phiếu VTV đi xuống liên tục, nhiều nhà đầu tư lỗ nặng khi thông tin bán ra hoàn toàn không được công bố.

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Lâm Thị Hồng Hoa cho biết trong hai ngày 5 và 6 tháng 11 năm 2009, thanh tra của Ủy ban Chứng khoán đã xử phạt 10 trường hợp, chủ yếu là không báo cáo thông tin. Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2009 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng cho biết, qua theo dõi 484 lượt giao dịch của 280 cổ đông lớn, cơ quan này phát hiện 155 trường hợp vi phạm về công bố thông tin giao dịch của cổ đông nội bộ và 38 trường hợp vi phạm về công bố thông tin khác.

Một đại biểu đến từ ngân hàng Agribank cũng cho rằng, hiện nay hiện tượng thao túng giá trên thị trường chứng khoán là “bình thường”. Ông đưa ví dụ một công ty chứng khoán muốn đẩy giá một cổ phiếu nhỏ khi thị trường quá im ắng, chỉ cần bỏ ra khoảng vài trăm triệu đồng/phiên để mua vào là giá có thể tăng vọt, đến lúc giá lên cao thì có thể bán ra cả lượng cổ phiếu vừa mua (thường không lớn lắm) cộng với lượng cổ phiếu đang tồn ứ của mình một cách dễ dàng với giá không thấp.”Thiệt thòi ở đây là các cổ đông nhỏ, vì thấy “sóng” lớn nên chạy theo, để rồi sau đó đành chấp nhận thua lỗ", vị này nhấn mạnh.

Cần kiểm soát gắt gao hơn

Vấn đề đặt ra gay gắt tại hội thảo là vì sao Ủy ban Chứng khoán không kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của công ty niêm yết, để xảy ra các vụ việc như trên, gây ảnh hưởng đến uy tín của thị trường chứng khoán Việt Nam? Bên cạnh đó, việc làm giá cổ phiếu của các nhà đầu tư tổ chức, công ty chứng khoán vì sao lại không được theo dõi và phát hiện mà chỉ khi nhà đầu tư có ý kiến thì Ủy ban mới tiến hành kiểm tra?

Tiến sỹ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán có mặt trong hội thảo cho biết việc vi phạm của các doanh nghiệp niêm yết khi không công bố thông tin của các giao dịch nội bộ hiện nay rất phức tạp. Khi có tin báo, Ủy ban phải lật lại dữ liệu, và phải phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra. Ủy ban chỉ có chức năng giám sát, thanh tra, và phải từ 3 đến 6 tháng sau khi kiểm tra thì thông tin mới được công bố.

Ông Sơn cho rằng thông tư 09/2010/TT-BTC mới ban hành đã quy định rõ cổ đông nội bộ khi bán cổ phiếu phải báo trước 3 ngày, và thời gian thực hiện không quá 2 tháng. Trường hợp bà Phượng là không báo cáo cho các cơ quan quản lý, vi phạm quy định về hành vi bán ra của cổ đông lớn. Và dù Ủy ban Chứng khoán cũng đã nhiều lần xử lý các vi phạm "làm giá" của các công ty chứng khoán nhưng ông Sơn cho rằng, hiện nay mức phạt còn quá nhẹ: phạt hành chính cao nhất cho mọi vi phạm vẫn dưới 70 triệu đồng nên chưa đủ tính răn đe.

Ông Sơn cũng cho biết sắp có nghị định mới thay thế nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán. Nghị định này sẽ nâng mức phạt cao nhất lên 500 triệu đồng và thu lại các khoản thu bất hợp pháp.

Tuy vậy, một đại biểu cũng cho rằng, việc cần làm của cơ quan quản lý, giám sát thị trường là phải hệ thống hóa được dấu hiệu của các tình huống giao dịch bất lợi cho thị trường để tiến hành kiểm tra ngay khi thấy có dấu hiệu vi phạm, chứ “không nên để nhà đầu tư chờ đợi kết luận của thanh tra thường là khi đã quá muộn”.

Ngoài ra “hai sở giao dịch chứng khoán phải tăng cường giám sát, có cơ chế ngăn chặn hành vi thao túng giá ngay từ lúc manh nha, tạo sự minh bạch trên thị trường”, một đại biểu khác đề xuất.