Đề phòng kẻ gian giấu mặt
Cần nâng cao ý thức về vấn đề an toàn bảo mật không chỉ với các ngân hàng, mà cả với người dân, doanh nghiệp (DN).
Hơn 46,3 triệu người trưởng thành ở Việt Nam đã mở khoảng 84,9 triệu tài khoản cá nhân. Từ các tài khoản này, khách hàng có thể chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cho rất nhiều loại hóa đơn, từ các dịch vụ thiết yếu đến hàng hóa xa xỉ; hay chỉ là món quà vặt rao bán online. Mới đây nhất, ngân hàng đã cung cấp cả dịch vụ “Đi chợ Online” ngay trên ứng dụng SmartBanking.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), từ Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3/2020, tổng số lượng giao dịch TTKDTM qua NAPAS tăng 76%, tổng giá trị giao dịch tăng 124% so với cùng kỳ năm 2019. Đến cuối năm 2019, số lượng thẻ lưu hành trên cả nước đạt gần 97 triệu thẻ do 56 tổ chức phát hành, với rất nhiều thương hiệu thẻ khác nhau. Các TCTD đã lắp đặt 19.187 ATM và 277.754 thiết bị chấp nhận thẻ. Số lượng giao dịch qua ATM trong ba tháng cuối năm 2019 là 272.291.822 và 95.455.590 giao dịch qua các thiết bị chấp nhận thẻ; Tổng giá trị giao dịch qua các thiết bị này đạt trên 905.366 tỷ đồng. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và đặc biệt do các TCTD và trung gian thanh toán tiếp tục miễn, giảm mạnh phí dịch vụ thanh toán (dự tính lên đến trên 1.000 tỷ đồng trong năm 2020) thì số lượng các giao dịch TTKDTM sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên gần đây hoạt động lừa đảo của tội phạm công nghệ cao cũng gia tăng. Hiện nay khi sử dụng dịch vụ thanh toán, khách hàng của ngân hàng được cung cấp ít nhất là ba lớp bảo mật: tên đăng nhập, tổ hợp mã khóa mật khẩu; và mã số bảo mật OTP (thay đổi từng thời điểm giao dịch thông qua Token hoặc là gửi tin nhắn SMS đến điện thoại của khách hàng). Kẻ gian giả mạo các cơ quan chức năng, nhân viên ngân hàng, công ty cung ứng dịch vụ… gửi email, gọi điện, gửi tin nhắn hay thông qua website giả mạo nhằm khai thác thông tin cá nhân của khách hàng hoặc “cài” người dân đăng nhập vào đường link liên kết đến trang website giả mạo để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản. Nhiều khách hàng đã tự “khai báo” tất tật thông tin bảo mật mà ngân hàng cung cấp như số tên đăng nhập, tài khoản, mật khẩu, mã OTP…
Với từ khóa “ngân hàng cảnh báo lừa đảo” Google sẽ cho ra khoảng 7.530.000 kết quả trong 0,42 giây. Điều đó cho thấy ngân hàng đã, đang liên tục đưa ra cảnh báo cho khách hàng trong việc bảo mật thông tin cá nhân. Khoảng 73% các cuộc tấn công trên không gian mạng là tấn công vào hệ thống tài chính - ngân hàng. Khảo sát của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam cho thấy: Hướng tấn công bằng mã độc chiếm tỷ trọng cao nhất (gần 50% đơn vị bị tấn công), email giả mạo (hơn 40%) và phần mềm gián điệp (hơn 20%)… Tài chính - ngân hàng luôn là mảnh đất hấp dẫn đối với tin tặc và bọn lừa đảo – những kẻ gian giấu mặt. Do đó, cùng với việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, TCTD cũng không ngừng nâng cao công tác bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin cho khách hàng. Các tổ chức, DN cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng tại Việt Nam trung bình đầu tư từ 50.000 USD đến 100.000 USD cho công tác an toàn bảo mật thông tin. Nếu khách hàng mất tiền, ngân hàng và cơ quan chức năng có thể phối hợp xử lý được. Nhưng nếu khách hàng mất niềm tin chỉ với một ngân hàng, dẫn đến rút tiền hàng loạt sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống TCTD. Do đó các ngân hàng rất coi trọng công tác bảo mật. Song thực tế đây là cuộc chiến không có hồi kết.
Trong khi các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức tài chính – ngân hàng quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng đầu tư nhiều vào các phương pháp mới để bảo vệ dịch vụ trực tuyến, thì tội phạm mạng cũng nâng cao kỹ năng để vượt qua những tuyến phòng thủ này. Hơn nữa, ngân hàng có thể vá lỗ hổng trên hệ thống thiết bị, phần mềm. Nhưng nếu là “lỗ hổng” trong ý thức trách nhiệm, kiến thức của cán bộ, nhân viên hay của khách hàng thì ngân hàng chỉ có thể bồi đắp, khuyến cáo họ nâng cao cảnh giác. Sau Covid - 19 có thể vẫn còn những virus nguy hiểm khác lẩn khuất đâu đó mà chúng ta không biết, khó thể tránh. Nhưng cũng không vì thế chúng ta đóng cửa hay cách ly mãi bởi như thế sẽ khiến kinh tế, xã hội bị tê liệt. Cách tốt nhất lúc này là nâng cao cảnh giác, chấp nhận “sống chung an toàn”.
Với dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại cũng vậy, khi nhu cầu sử dụng của người dân, DN ngày càng tăng thì yêu cầu bảo mật cũng ngày một lớn. Trong bối cảnh đó, cần nâng cao ý thức về vấn đề an toàn bảo mật không chỉ với các ngân hàng, mà cả với người dân, DN. Chúng ta chấp nhận cuộc chiến không có hồi kết với những kẻ xấu giấu mặt với tinh thần cảnh giác cao độ, không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng và chất lượng dịch vụ, giảm thiểu tối đa rủi ro.