Để thành công khi M&A ngân hàng
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng được dự báo sẽ còn nóng trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu ngành. Nhưng để sớm tích hợp thành công, cần có chiến lược cụ thể và sự sẵn sàng hợp tác của cả hai bên.
TS. Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, xu hướng phát triển các thương vụ M&A trên thế giới dần gia tăng. Tại các nước Đông Nam Á, M&A cũng tăng trưởng khá mạnh, cho thấy dòng vốn ngoại ngày càng đổ mạnh vào khu vực này. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thu hút vốn ngoại khá mạnh thông qua các giao dịch M&A.
Tuy nhiên, TS. Lực cho rằng, trong quá trình lựa chọn, tìm đối tác để M&A, điều quan trọng là hai bên phải có cùng chiến lược phát triển. “Trong thương vụ BIDV sáp nhập thêm Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), cả BIDV và MHB đều có chiến lược là đẩy mạnh bán lẻ, đồng thời có cùng thiện chí để thúc đẩy M&A”, ông Lực nói.
Trong quá trình tái cấu trúc, theo TS. Lực, những ngân hàng lớn phải có trách nhiệm chung tay với hệ thống ngân hàng bằng cách sáp nhập thêm các ngân hàng nhỏ. Bởi nếu không, hệ thống sẽ gặp khó khăn thì họ cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nhưng để thành công trong M&A, cả hai bên phải chung sức, chung chí hướng và cùng quyết liệt (vì để càng lâu thì chi phí càng lớn).
Một điểm lưu ý để thương vụ M&A thành công là công tác thẩm tra càng kỹ càng tốt. Trước thương vụ với MHB, BIDV đã cử 6 đoàn thẩm tra, kiểm tra vào MHB để thực hiện công tác này. Thêm vào đó, lãnh đạo 2 bên phải có sự phối kết hợp và sẵn sàng để cùng hợp tác. Đồng thời, hai bên phải có kế hoạch hợp tác cụ thể về chiến lược phát triển, tăng trưởng.
Ông Katsumi Mizuno, Giám đốc Khối thị trường quốc tế của Credit Saison Nhật Bản cho rằng, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng trưởng đối với tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thẻ. Đáng chú ý là, tín dụng tiêu dùng cá nhân vẫn còn khá mới mẻ, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. “Đó cũng chính là lý do Credit Saison Nhật Bản mua lại 49% cổ phần của Công ty Tài chính HDFinance để chuyển đổi thành Công ty Tài chính HDSaison vừa ra mắt. Credit Saison đã có một năm rưỡi năm để đạt sự đồng thuận với đối tác và chúng tôi đã thành công trong thương vụ này. HDSaison đã có kế hoạch phát triển trong 5 năm tới và kinh nghiệm của Credit Saison sẽ được áp dụng trong việc xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới của Công ty”, ông Katsumi Mizuno nói.
Là ngân hàng tiên phong thực hiện chủ trương tái cơ cấu, năm 2013, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) đã sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiA Bank) và mua lại Công ty Tài chính SGVF. Đến nay, sau 2 năm hoàn tất sáp nhập và đẩy mạnh tái cơ cấu, HDBank đạt kết quả khả quan trong năm 2014, với lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.
Theo lãnh đạo HDBank, để thành công sau sáp nhập, điều quan trọng là phải có sự thống nhất và chiến lược cụ thể, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cổ đông, cán bộ, công nhân viên. Đó cũng chính là lý do để HĐQT 2 ngân hàng trong thương vụ DaiA Bank - HDBank đưa ra tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã hợp nhất thành công 3 ngân hàng SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank); Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sáp nhập thành công và xử lý hiệu quả nợ xấu của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank)… Sức khỏe của các ngân hàng sau sáp nhập đang dần được cải thiện.
M&A trong lĩnh vực ngân hàng được dự báo sẽ còn sôi động, nhất là ở giai đoạn cuối của quá trình tái cấu trúc ngành. Theo Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7/2015, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các ngân hàng TMCP yếu kém, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát nợ xấu để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% vào cuối năm 2015.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang tỏ rõ quyết tâm sẽ hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% trước thời hạn 3 tháng. Vì thế, M&A giữa các ngân hàng được dự báo sẽ còn sôi động trong thời gian tới.