Thấy gì từ thương vụ sáp nhập MDB vào Maritimebank?
Trong cuộc “hôn nhân” này, MDB là ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng không thuộc dạng yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức chấp thuận sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Mê Kông (MDB) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Mê Kông Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank). Đây là thương vụ sáp nhập tự nguyện của cả 2 ngân hàng nhằm tận dụng lợi thế vốn có của hai bên để phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
“Về một nhà” để mạnh hơn
Ngày 18/3/2015, ngân hàng Nhà nước đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc việc cho phép sáp nhập MDB vào Maritime Bank, cho thấy cuộc “hôn nhân” giữa hai ngân hàng sẽ có cái kết tốt đẹp sau gần 2 năm chuẩn bị.
Sau sáp nhập, Maritime Bank sẽ trở thành ngân hàng có tổng tài sản lên tới 111.753 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng qua đó nằm trong tốp 5 nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu và tốp 10 toàn hệ thống các ngân hàng.
Mạng lưới giao dịch khoảng 300 điểm với số lượng khách hàng trên toàn quốc xấp xỉ 1,4 triệu khách hàng cá nhân và gần 30.000 khách hàng doanh nghiệp cùng 600 định chế tài chính... là con số không nhỏ, tạo cơ hội cho Maritime Bank nâng sức cạnh tranh.
Trong cuộc “hôn nhân” này, MDB là ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng không thuộc dạng yếu kém buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của ngân hàng Nhà nước. Sự sáp nhập hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện, bởi sau sáp nhập, Maritime Bank sẽ không phải chịu nhiều gánh nặng nợ xấu.
Phải nói thêm, nếu các thương vụ sáp nhập ở giai đoạn đầu của làn sóng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (năm 2011-2012) chủ yếu diễn ra giữa các ngân hàng thương mại yếu kém, thuộc nhóm phải tái cơ cấu. Gần đây, thị trường ghi nhận một số thương vụ sáp nhập mang tính chất tự nguyện khi cả ngân hàng thương mại có tài chính, sức khỏe tốt cũng nhập cuộc.
Việc này sẽ giúp bản thân ngân hàng sau sáp nhập nâng quy mô, khả năng tài chính cho mình. Lãnh đạo ngân hàng Nhà nước nhiều lần đề cập đến kế hoạch sáp nhập nhằm cho ra đời một số ngân hàng quy mô lớn tầm khu vực. Trong trường hợp của Maritime Bank và MDB, nếu hoàn tất trong quý 2 này sẽ là một thương vụ đáng chú ý của năm nay.
Nâng thế mạnh phục vụ khách hàng
Trên thực tế, mỗi ngân hàng thương mại khi tìm kiếm đối tác đều “soi” rất kỹ những lợi thế mà mình sẽ tận dụng được sau sáp nhập. Maritime Bank cũng không ngoại lệ, tìm kiếm một ngân hàng để sáp nhập trên cơ sở có sự tương đồng về đường lối quản trị, văn hóa kinh doanh là rất cần thiết. Maritime Bank vốn đã tham gia vào MDB với tư cách cổ đông lớn sở hữu tỉ lệ cổ phần khoảng 10%.
Đây là yếu tố quan trọng, và trong thời gian dài Maritime Bank đã hỗ trợ, tư vấn cho MDB nhiều chiến lược kinh doanh hiệu quả, chứ không chỉ là thương vụ đầu tư cổ phần đơn thuần.
Bản thân MDB, năm 2010 ngân hàng này chính thức có sự gia nhập của cổ đông chiến lược là công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) - công ty 100% vốn của Temasek Holdings (tập đoàn tài chính hàng đầu của Chính phủ Singapore). Sự liên minh này là bước ngoặt quan trọng trong đường lối chiến lược của MDB theo hướng quản trị hiện đại và lành mạnh.
Từ đây, MDB đã chú trọng mảng ngân hàng bán lẻ, triển khai áp dụng những thông lệ và tiêu chuẩn nên mô hình quản trị này phù hợp với mô hình hiện tại mà Maritime Bank đang áp dụng.
Ngoài ra, nếu nhìn ở góc độ phân khúc thị trường, MDB tuy quy mô nhỏ nhưng lại có thế mạnh trong các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ giúp Maritime Bank bổ sung tốt mạng lưới và đưa ngân hàng phát triển toàn diện trên mọi phân khúc khách hàng, tăng lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.
Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2017, cả nước sẽ còn khoảng 20 ngân hàng thương mại quy mô lớn nên các ngân hàng tự nguyện sáp nhập là cần thiết, nhất là khi ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực xây dựng một hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh.