Để tránh bị hack thẻ trong khi rút tiền từ cây ATM
Bọn tội phạm thường lắp camera theo dõi, dán bàn phím giả đè lên bàn phím thật của máy ATM, đột nhập hệ thống thanh toán qua mạng của ngân hàng lấy cắp thông tin...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, một thống kê cho thấy, các giao dịch thẻ năm 2015 của thế giới bị gian lận thanh toán có giá trị lên đến 21 tỷ USD, tức cứ 100 USD giao dịch thì thiệt hại khoảng 7 cent, tương đương 0,07%. Tại Việt Nam, tình trạng gian lận chỉ bằng 1/3 mức bình quân của thế giới, nhưng gần đây đang có dấu hiệu gia tăng.
Giải thích rõ hơn, Thống đốc NHNN cho biết, nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía: “Do hệ thống ATM bị cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu dễ bị ăn cắp dữ liệu, bảo mật của ngân hàng còn lỗ hổng. Mặt khác, chủ thẻ cũng có những sơ suất. Cá biệt có trường hợp tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với đối tượng xấu để có hành vi gian lận, chiếm dụng tiền của khách hàng”.
Để tránh bị hack thẻ trong khi rút tiền từ cây ATM. Ảnh minh hoạ |
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết cụ thể hơn, liên quan đến việc mất tiền trên ATM, không chỉ khách hàng ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới, ví dụ Mỹ, một trong những quốc gia được cho là tân tiến, hiện đại nhất đều gặp phải.
Để lấy được tiền trong thẻ ATM, bọn tội phạm sử dụng những kỹ thuật tiên tiến trong công nghệ thông tin mà cụ thể là một thiết bị được cài đặt vào khe nhận thẻ trên máy ATM. Do nghiên cứu từ trước nên thiết bị ấy có hình dạng và màu sắc rất giống với máy nên khó bị phát hiện. Khi chủ thẻ nhét thẻ vào máy để nạp tiền, rút tiền, xem số dư tài khoản hoặc chuyển khoản, thiết bị sẽ tự động sao chép các dữ liệu của thẻ.
Bên cạnh đó, bọn tội phạm cũng bí mật đặt thêm một camera quay thẳng xuống bàn phím máy ATM để lấy mật khẩu (password) của nạn nhân. Việc lắp đặt thiết bị chỉ mất từ 15 đến 20 phút. Chúng thường chọn những máy ATM nằm ở những nơi đông đúc, nơi có nhiều khách hàng sử dụng, nhất là sử dụng vào buổi chiều, tối, sau giờ làm việc của ngân hàng.
Khi đã lắp đặt xong các thiết bị ăn trộm dữ liệu trên máy ATM, bọn tội phạm đứng gần đó, quan sát. Nếu thấy khách hàng giao dịch nhiều, số lượng thông tin đánh cắp đã đủ, chúng sẽ vờ như vào rút tiền để tháo các thiết bị ra. Những thông tin ấy sau đó sẽ được nạp vào một thẻ ATM giả và chúng ung dung đến một máy ATM nào đó, rút tiền.
Chia sẻ kinh nghiệm từ chính bản thân mình, TS. Hiếu cho biết, khi phải rút tiền trên các máy ATM, ông chủ động bảo vệ mình để tránh những tình huống phức tạp sau này. Cụ thể: Đối với việc nhận biết các nguy cơ mất an toàn của thẻ trên máy ATM, khi giao dịch thẻ trên máy ATM, nên quan sát thật kỹ khe đọc thẻ; khu vực phía trên - đối diện với bàn phím; vị trí phía trên màn hình ATM; bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM bởi đây là những vị trí có nguy cơ bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia công nghệ của Maritime Bank chia sẻ thêm cách nhận biết các nguy cơ mất an toàn của thẻ trên máy ATM khi phát hiện một trong những tình huống sau: Bàn phím nhập mã PIN nhô cao bất thường; nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới.
Tại khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có các dấu hiệu khả nghi như: Có vệt băng dính hai mặt/keo dán quanh đầu đọc thẻ, hoặc lỗ nhỏ tại các khu vực có thể nhìn thấy bàn phím như nóc máy ATM, hông màn hình ATM. Camera lấy cắp pin còn có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó.
“Tôi luôn kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường. Không thực hiện giao dịch nếu nghi ngờ ATM có thiết bị lạ, bất thường. Luôn che bàn phím khi nhập mã pin để tránh bị lộ pin khi giao dịch.
Còn đối với trường hợp rút tiền tại ATM nhưng không thành công, khách hàng nên truy vấn lại số dư trong tài khoản hoặc gọi hotline của các ngân hàng để kiểm tra và hỗ trợ trước khi rời khỏi ATM. Nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường”, TS. Hiếu nói.