Ngân hàng nhỏ bắt đầu bứt phá?
Nếu như 2017 được xem là năm của các ngân hàng lớn thì 2018 có lẽ sẽ đến lượt các ngân hàng nhỏ thu hút mọi sự chú ý của thị trường.
Mùa đại hội cổ đông 2018 của các ngân hàng vẫn chưa thể kết thúc dù rằng Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải tổ chức trước tháng 5. Dẫu vậy, với hơn 2/3 số các ngân hàng đã tổ chức đại hội xong thì bức tranh về hoạt động tài chính ngân hàng 2018 cơ bản cũng bắt đầu hiện lên qua những kế hoạch phát triển "khủng" được cổ đông thông qua.
Bên cạnh những kế hoạch kinh doanh bạo dạn của các ngân hàng lớn với lợi nhuận cả chục ngàn tỷ đồng hay tăng vốn thêm vài ngàn tỷ, thì những mục tiêu của các ngân hàng nhỏ cũng rất đáng chú ý với những kỳ vọng bứt tốc khác biệt so với các năm trước.
Kế hoạch kinh doanh mạnh bạo
Nam A Bank là một trong số chưa đến chục ngân hàng còn duy trì vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ. Dù thời gian qua ngân hàng có kế hoạch tăng vốn một vài lần nhưng không thành công, hiện mới ở mức 3.021 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 – 2014 ngân hàng này phát triển khá ấn tượng, tuy nhiên đến 2015 – 2016 bị chững lại, và 2017 mới có dấu hiệu phục hồi. Cuối năm 2017, ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 54.400 tỷ đồng, huy động vốn hơn 41.700 tỷ, dư nợ cho vay hơn 36.300 tỷ và lợi nhuận trước thuế trên 300 tỷ đồng.
Tuy nhiên ngân hàng đang đặt ra kế hoạch bứt phá mạnh ở năm 2018. Cụ thể, kế hoạch vừa được cổ đông thông qua cho thấy ngân hàng sẽ nâng tài sản thêm 21% lên 66.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 31% đạt 55.000 tỷ, tín dụng tăng 16% đạt 42.000 tỷ và lợi nhuận 320 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng có kế hoạch tăng vốn thêm gần 2.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 11%, phát hành cho cổ đông hiện hữu, cho cán bộ nhân viên và ra bên ngoài, đồng thời đưa cổ phiếu lên niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tại một ngân hàng có quy mô tương đương khác là Việt Á, kết thúc năm 2017, tổng tài sản của VietABank đạt 64.434 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Kế hoạch năm 2018, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản lên 70.160 tỷ đồng, huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 42.990 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế gấp hơn 2 lần năm 2017 với 312 tỷ đồng. Đồng thời VietABank cũng có kế hoạch tăng vốn lên 4.200 tỷ đồng từ mức 3.500 tỷ hiện nay thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn mệnh giá.
Tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB – NVB), vốn là 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị buộc phải tái cơ cấu, song từ khi có nhóm cổ đông mới của ông Nguyễn Tiến Dũng (vẫn được gọi là Dũng Gami), ngân hàng này cũng tái cơ cấu với những tiến triển rõ ràng. Kết thúc năm 2017, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 72 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2016; Dư nợ cho vay khách hàng tăng 26,7% đạt 32,1 nghìn tỷ; huy động vốn khách hàng tăng 9,4% đạt hơn 45,7 nghìn tỷ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh năm qua đạt 266 tỷ đồng, tăng 26%, sau khi trừ đi trích lập dự phòng thì lợi nhuận trước thuế ghi nhận gần 31 tỷ, gấp đôi so với năm 2016.
Cũng như hai ngân hàng bạn cùng quy mô là Nam Á và Việt Á, năm nay NCB đặt mục tiêu khá tham vọng với tổng tài sản lên gần 95 nghìn tỷ đồng; Huy động vốn đạt gần 64 nghìn tỷ trong khi cho vay dự kiến 40,6 nghìn tỷ; Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh dự kiến ở mức 327 tỷ đồng, tăng 23%. Bên cạnh đó, NCB sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ, trong đó có sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài mà hiện ngân hàng này đã chọn được 3 ứng viên để "vào vòng chung kết".
Còn Kienlongbank, một ngân hàng có vốn thấp nhất hệ thống với tròn 3.000 tỷ thì dường như vẫn rất thận trọng trong mọi hoạt động. Kết thúc năm 2017 ngân hàng đạt tổng tài sản hơn 37.300 tỷ đồng, huy động vốn hơn 33.100 tỷ, dư nợ tín dụng gần 24.700 tỷ - đều là các con số thấp nhất trong nhóm các ngân hàng hiện nay, và mục tiêu 2018 cho các chỉ số này là tăng trưởng trên dưới 20%. Kế hoạch tăng vốn cũng vô cùng thận trọng khi chỉ định tăng lên mức hơn 3.200 tỷ đồng. Song Kienlongbank đang là một trong những ngân hàng nhỏ làm ăn tốt với lợi nhuận năm vừa qua đạt hơn 240 tỷ đồng và mục tiêu tăng lãi thêm 60% trong năm nay lên hơn 400 tỷ.
Cơ cấu lại cả nhân sự cấp cao nhất
Song hành với kế hoạch kinh doanh, các ông chủ của những ngân hàng nhỏ cũng tiến hành cơ cấu lại cả nhân sự. Không chỉ ở bộ phận cán bộ nhân viên với những sự rà soát cẩn trọng, nâng cao chất lượng, gia tăng tuyển chọn người tài, thanh lọc bớt nhân sự kém chất lượng, mà còn cả cấp cao nhất là Ban điều hành và Hội đồng quản trị cũng được thay đổi.
Tại Việt Á, ngân hàng vừa bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới với sự góp mặt của ông Tổng giám đốc Nguyễn Văn Hảo trong HĐQT để "tăng thêm tiếng nói". Đồng thời ngân hàng cũng chứng kiến sự rút lui của người nhà ông chủ tịch Phương Hữu Việt, đó là bà Phương Thanh Nhung. Bà Nhung từng là Tổng giám đốc của ngân hàng, sau đó làm phó chủ tịch HĐQT cho đến cuối tháng 4/2018.
Ngân hàng NCB thì thay đổi lãnh đạo cấp cao liên tục vài năm qua. Bà Trần Hải Anh từng là Tổng giám đốc, sau đó lại làm chủ tịch và hiện tại lại làm thành viên HĐQT. Trong khi đó chồng bà là ông Nguyễn Tiến Dũng – kể từ khi tham gia vào tái cơ cấu Navibank – thường là người "đứng sau" nhưng cuối năm 2017 cũng đã phải thôi nhiệm ở Gami để tập trung vào Ngân hàng Quốc Dân. Hiện ông Dũng là chủ tịch của nhà băng này.
Ngân hàng Kiên Long cũng thay chủ tịch và Tổng giám đốc trong dịp này. Bà Trần Tuấn Anh lên làm Tổng giám đốc thay cho ông Võ Văn Châu trong khi ghế chủ tịch được ông Võ Quốc Thắng "Bầu Thắng" để lại cho ông Lê Khắc Gia Bảo – nguyên là trưởng Ban kiểm soát.
ABBank thì cũng thay cả chủ tịch lẫn Tổng giám đốc khi ông Vũ Văn Tiền – đã có 15 năm làm chủ tịch ngân hàng – quyết định chọn Geleximco để tập trung kinh doanh và để ghế chủ tịch cho người em rể Đào Mạnh Kháng. Ghế Tổng giám đốc của ngân hàng này được chuyển cho bà Dương Thị Mai Hoa – nguyên là TGĐ của Tập đoàn Vingroup và CEO của ngân hàng VIB.
Tại Nam A Bank cũng có sự thay đổi nhân sự cấp cao nhưng có chút khác biệt so với các ngân hàng khác. Theo đó ông Trần Ngọc Tâm lên làm Tổng giám đốc thay cho bà Lương Thị Cẩm Tú – người xin thôi chức CEO để đại diện cho một nhóm cổ đông sang làm thành viên HĐQT ngân hàng Eximbank.
Ngoài những trường hợp điển hình nói trên thì các ngân hàng khác, nhất là những ngân hàng chưa ghi được dấu ấn nào suốt thời gian qua, cũng đang lên kế hoạch về kinh doanh và có những thay đổi nhất định về nhân sự để thoát khỏi thế "giậm chân tại chỗ". Mỗi ngân hàng có một mục tiêu khác nhau và một chiến lược phát triển khác nhau, song rõ ràng với những kế hoạch kinh doanh khá mạnh bạo như vậy, nếu đạt được thì chắc chắn sẽ là dấu ấn đậm nét của ngành ngân hàng 2018.