Để xe buýt hấp dẫn hành khách cần sự chung tay của cộng đồng
Xe buýt ngày càng chiếm ưu thế trong vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trên địa bàn Hà Nội. Ở các vùng quê ngoại thành, nhu cầu đi lại bằng xe buýt ngày càng lớn. Nhiều người dân kiến nghị tăng điểm dừng đỗ ở những khu vực dân cư, để người dân tiếp cận tốt hơn, đồng thời cần sự chung tay của cộng đồng trong việc bảo vệ điểm dừng, nhà chờ xe buýt, chống lấn chiếm khu vực xe dừng đỗ.
Điều đáng mừng của đông đảo người dân là xe buýt đã “vươn tay” đến các huyện ngoại thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Một trong những khu vực được hưởng lợi này là xã Minh Tân (Phú Xuyên). Ông Nguyễn Tiến Minh (thôn Kim Quy) chia sẻ: “Tuyến xe buýt đi dọc đường sông qua xã khá thuận tiện. Giờ đây một số thôn như Thành Lập, Thần Quy, Mai Trang… đã có thể chọn di chuyển bằng xe buýt để lên trung tâm huyện Phú Xuyên, đến thị trấn Thường Tín một cách dễ dàng”. Ông Nguyễn Văn Hợi (thôn Thành Lập), bày tỏ: “Tiếp cận xe buýt thuận lợi rồi, tôi cũng… cất luôn xe máy ở nhà”.
Chung niềm vui đó, chính quyền xã Minh Tân cũng tích cực tuyên truyền người dân ở khu vực chợ Bái không lấn chiếm lòng đường, đặt biển quảng cáo đúng quy định để dành đường cho xe buýt vận hành, không bày bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường. Một số đoạn đường đã được dọn rác, trồng hoa. Ông Nguyễn Văn Ngự, Bí thư Đảng ủy xã Minh Tân, cho hay: “Có xe buýt vận hành ngoài giúp việc đi lại của người dân thuận tiện hơn, thì cũng hạn chế lượng xe máy đổ lên Thường Tín, Phú Xuyên, sẽ giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc”.
Ngoài ra, tại các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Hoài Đức, hệ thống xe buýt vừa giúp việc di chuyển lên thị trấn dễ dàng, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế người dân. Nhiều người dân cho rằng việc đầu tư cho xe buýt là thỏa đáng, đồng thời cơ quan chức năng nên bố trí thêm một số điểm vào các khu đông dân cư, để việc tiếp cận được dễ dàng hơn và lưu ý đến các khu vực dân cư nằm xa các trục đường xe buýt hoạt động.
Tìm hiểu thực tế tại các huyện ngoại thành Sóc Sơn, Đông Anh… chúng tôi nhận thấy nhiều điểm dừng không có nhà chờ. Mỗi khi mưa bất ngờ đổ xuống, hành khách dừng chờ gặp khá nhiều khó khăn.
Một điểm nữa là tình trạng vỉa hè, nhà chờ, điểm đỗ xe buýt bị chính người dân chiếm dụng, cản trở hành khách tiếp cận với xe buýt. Sự việc này Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đã nỗ lực xử lý trong thời gian qua. Song các cấp, các ngành chức năng và địa phương cần phối hợp xử lý tốt hơn. Ngay như tại tuyến phố Giải Phóng, khu vực gần bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm nhiều điểm dừng bị những người lái xe ôm đứng chờ, chiếm vị trí. Một số điểm còn có quán nước chè chiếm trọn vỉa hè để kinh doanh. Ông Bùi Hải Doanh, người dân sống trong khu vực cho biết: “Vào giờ cao điểm, cả người lên và người xuống đều đông. Tuy nhiên, việc lên xuống xe vẫn bị vướng víu bởi mấy bác xe ôm đứng chềnh ềnh. Nhắc nhở thì có khi họ chửi, hoặc nổi cáu. Vì thế rất cần lực lượng công an phường chung tay giải quyết”.
Trong Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, Hà Nội đã nhấn mạnh các giải pháp về hạ tầng xe buýt: Rà soát, hợp lý hóa và cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt để bảo đảm tính kết nối, thuận lợi chuyển tuyến; đầu tư bổ sung và cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt hiện có theo hướng đồng bộ về hình ảnh, văn minh hiện đại, thân thiện và tiện lợi.
Để xe buýt ngày càng hấp dẫn hành khách, các cơ quan chức năng Hà Nội đã nỗ lực cải thiện từ hạ tầng tới văn hóa giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ. Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, vấn đề nâng cao năng lực vận tải, hạ tầng đã khá tốt và cần tiếp tục được nâng lên để kết nối, xây dựng thành phố thông minh. Người dân cũng coi đây là trách nhiệm của mình trong việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, phát triển văn hóa xe buýt. Đồng quan điểm ấy, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC Hà Nội cho rằng, để buýt “tăng điểm”, thì rất cần sự ủng hộ của người dân ven đường, nhất là những nơi có nơi cắm biển, nơi dựng nhà chờ. Bởi nhà chờ xe buýt hầu hết đều nằm trước cửa nhà dân, họ là lực lượng thường trực bên cạnh hạ tầng xe buýt. Nên kêu gọi người dân cùng chung tay giữ gìn hạ tầng cho xe buýt.