Đề xuất chi 91.000 tỷ đồng nhằm phổ cập giáo dục mầm non
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan để xây dựng Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi theo quy trình rút gọn. Dự kiến kinh phí thực hiện là trên 91.000 tỷ đồng trong 10 năm.

Theo đó, Nghị quyết này quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; tổ chức xã hội-nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài), các tổ chức, cá nhân có liên quan; trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mầm non vào năm 2030.
Ba nhóm giải pháp được đề ra để thực hiện mục tiêu này.
Nhóm thứ nhất là các chính sách hỗ trợ cho trẻ mẫu giáo. Theo đó, Bộ đề xuất hỗ trợ chi phí học tập với trẻ 3- 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động, là con công nhân (có hợp đồng lao động) ở các khu công nghiệp.
Ngoài ra, tiền ăn trưa được nâng từ 160.000 đồng lên 360.000 đồng một tháng, với trẻ ở thôn, xã, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Những trẻ không có nguồn nuôi dưỡng; gia đình nghèo, cận nghèo; là con liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, hoặc trẻ khuyết tật cũng thuộc diện này.
Kinh phí thực hiện chính sách đối với nhóm trẻ em mẫu giáo dự kiến 1.062 tỷ đồng/năm.
Nhóm thứ hai là các chính sách dành cho nhà giáo, nhân viên. Theo đó, giáo viên mầm non công lập được tuyển dụng từ năm học 2025-2026 được hưởng trợ cấp thu hút, chi trả một lần tối thiểu bằng 12 tháng lương cơ sở (hiện khoảng 28 triệu đồng). Người được tuyển dụng phải cam kết công tác ít nhất 5 năm.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại cơ sở giáo dục mầm non (không gồm cơ sở liên kết đào tạo với nước ngoài hoặc vốn đầu tư nước ngoài) cũng được hỗ trợ kinh phí để thực hiện nhiệm vụ phổ cập.
Số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để thu hút giáo viên là: 47.949 giáo viên x 58,97 triệu đồng = 2.827,6 tỷ đồng. Và kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập: 381.575 người x 960.000 đồng x 9 tháng = 3.296,8 tỷ đồng/năm.
Nhóm thứ ba là đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, bãi ngang ven biển, hải đảo. Dự kiến tổng kinh phí chi cho đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi là 75.072,5 tỷ đồng
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, theo số liệu thống kê còn 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, căn cứ vào tiêu chuẩn cơ sở vật chất và danh mục thiết bị tối thiểu của cấp học mầm non, để đáp ứng nhu cầu huy động số lượng trẻ em (nêu trên) đến trường để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2030, tổng kinh phí cần 16.800 tỷ đồng, gồm: Bổ sung khoảng 12.000 phòng/lớp học, với nhu cầu kinh phí khoảng 13.200 tỷ đồng; Bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu; với nhu cầu kinh phí khoảng 3.600 tỷ đồng.
Như vậy tổng kinh phí cần để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi về lĩnh vực cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là: 91.872,5 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026-2035).
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025 của Quốc hội khóa XV và thông qua theo quy trình một kỳ họp.