Vá “lỗ hổng” giáo dục mầm non ở khu công nghiệp?
Địa bàn đô thị, khu công nghiệp với sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng, tưởng chừng rất thuận lợi để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, nhưng trên thực tế lại có những “lỗ hổng” không nhỏ.
Để giải quyết những thách thức từ thực tế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp giai đoạn 2025- 2030”. Ngày 8/4 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo tham vấn giải pháp xây dựng đề án này. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội thảo.
Thách thức không ngờ!
Đánh giá cao vai trò của bậc học mầm non cùng những kết quả đã đạt được trong công tác này thời gian qua, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng thẳng thắn chỉ ra một thực trạng rằng: Hiện nay, những vùng tưởng chừng như rất thuận lợi như địa bàn đô thị, khu công nghiệp với sự phát triển kinh tế, xã hội nhanh chóng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ thực tiễn.
“Việc quá tải dân cư, nhập cư, sự phát triển nóng của đô thị, khu công nghiệp, điều kiện sinh hoạt, công việc của phụ huynh không giống nhau đặt ra bài toán về cơ sở vật chất cần được đáp ứng. Về mặt vĩ mô cũng chưa có những quyết sách, chính sách thật sự phù hợp.”, Thứ trưởng nói.

Trên thực tế, nhiều trường mầm non ở khu vực đô thị, khu công nghiệp chưa đủ năng lực tiếp nhận trẻ nhà trẻ; chưa đáp ứng được nhu cầu đặc thù của công nhân, mô hình về dịch vụ giáo dục mầm non phục vụ con công nhân chưa đa dạng.
Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ nhà trẻ tại cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục còn hạn chế... Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Đề án theo hướng bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục công bằng đối với mọi trẻ em; Nhà nước có chính sách đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Cùng với đó, đa dạng hoá loại hình, mô hình cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ mầm non là con công nhân, người lao động; nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp.
Bảo đảm quyền lợi của mọi trẻ em
Tham gia hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới, bà Helle Buchhave đánh giá, Đề án là cơ hội để tiếp cận các cơ sở chăm sóc trẻ em, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại các cơ sở đó.
Đây là Đề án hết sức cần thiết để Việt Nam phấn đấu thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Mầm non là bậc học nền tảng cho lực lượng lao động sau này. Phát triển nguồn nhân lực là khoản đầu tư cho tương lai rất quan trọng. Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ này.
Ông Phạm Văn Sơn, Vụ Khoa giáo - Văn xã (Văn phòng Chính phủ) cũng cho biết: Các đơn vị hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành với nhau trong quá trình thực hiện để Đề án sớm được hoàn thiện và ban hành. Ông Sơn cũng lưu ý Đề án cần bám sát thực tế để đề ra các giải pháp thực hiện tháo gỡ vướng mắc.
Góp ý với dự thảo Đề án, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Dĩnh cho rằng, cần có những cơ chế đặc thù để phát triển đồng đều giữa cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, trong đó có cơ chế về thuê đất, cấp quỹ đất phát triển giáo dục.
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi hoan nghênh những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết sẽ tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án quan trọng này.
“Chúng ta cần xác định rõ mục tiêu, thực trạng, đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Sắp tới, Đảng và Nhà nước đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy; miễn giảm học phí; dự kiến thông qua Luật Nhà giáo... Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu để đưa vào dự thảo Đề án nhằm đảm bảo tính dự báo, phù hợp với các chính sách của Nhà nước", Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trong dự thảo Đề án:
- 100% trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.
- 100% trẻ em từ 03 tháng đến 36 tháng tuổi là con công nhân, người lao động ở địa bàn có khu công nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ bảo đảm chất lượng.
- 100% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và nhân viên ở địa bàn đô thị, khu công nghiệp được tiếp cận tài liệu và được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên.
- Tăng thêm 20% trở lên cơ sở giáo dục mầm non tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp có tổ chức nhóm trẻ.