Hơn 120 nghìn tỷ đồng đầu tư cho sân bay lớn nhất miền Bắc

Lưu Thủy

Có cùng công suất thiết kế dự kiến 30 triệu hành khách/năm nhưng sân bay Gia Bình có quy mô lớn hơn 30% so với sân bay Nội Bài, trở thành sân bay lớn nhất miền Bắc. Ước tính chi phí đầu tư thời kỳ 2021 - 2030 cho sân bay Gia Bình là khoảng 120.839 tỷ đồng.

Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cho sân bay Gia Bình là khoảng 120.839 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 cho sân bay Gia Bình là khoảng 120.839 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Xây dựng ký quyết định phê duyệt điều chỉnh, sân bay Gia Bình sẽ có quy mô lớn nhất miền Bắc.

 

Công suất thiết kế dự kiến của sân bay Nội Bài được điều chỉnh là khoảng 30 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021 - 2030; khoảng 50 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.

Diện tích đất dự kiến của sân bay Nội Bài khoảng 1.500 ha.

Sân bay Nội Bài sẽ không được đầu tư trong quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ước tính chi phí đầu tư khoảng 9.982 tỷ đồng.

Cụ thể, sau khi được bổ sung vào Quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Gia Bình có công suất thiết kế dự kiến khoảng 30 triệu hành khách/năm thời kỳ 2021 - 2030; vào được nâng lên khoảng 50 triệu hành khách/năm tầm nhìn đến năm 2050.

Diện tích đất dự kiến xây dựng sân bay Gia Bình là khoảng 1.960 ha.

Ước tính chi phí đầu tư cho sân bay Gia Bình theo quy hoạch là khoảng 120.839 tỷ đồng thời kỳ 2021 – 2030 và khoảng 61.455 tỷ đồng tầm nhìn đến năm 2050.

Trước đó, trong văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo trình tự, thủ tục rút gọn, Cục Hàng không Việt Nam cho biết khoảng cách giữa 2 sân bay chỉ khoảng 43 km nên vùng trời Cảng hàng không quốc tế Gia Bình nằm gần vùng trời kiểm soát tiếp cận của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Do năng lực tổng thể của vùng trời xác định là hữu hạn nên việc bổ sung, điều chỉnh tăng công suất của Cảng hàng không quốc tế Gia Bình không làm tăng năng lực tổng thể của vùng trời dùng chung mà sẽ yêu cầu giảm công suất tương ứng của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và phải tái phân bổ lưu lượng khai thác giữa 2 sân bay.

Vì vậy, cùng với việc điều chỉnh tăng công suất quy hoạch của sân bay Gia Bình, cần thực hiện điều chỉnh giảm công suất tương ứng của sân bay Nội Bài.

 

Diện tích đất chiếm dụng dự kiến của Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030 khoảng 25.791 ha.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 444.711 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.