Đề xuất giảm thuế thời điểm này là hết sức cần thiết
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 trong thời điểm này là hết sức cần thiết.
Ngay từ đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế - xã hội trong nước, Bộ Tài chính đã theo dõi sát diễn biến thực tế, thu thập, tổng hợp các giải pháp được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật và điều kiện của ngân sách để kịp thời đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất với cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Theo đó, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm năm 2020 là khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của nền kinh tế năm 2020.
Thời gian gần đây, đặc biệt là trong tháng 7/2021, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao, vui chơi và giải trí... Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính đã xây dựng dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhẵm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Tại dự án Nghị quyết, Bộ Tài chính kiến nghị giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức như đã áp dụng cho năm 2020; Giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong một số nhóm lĩnh vực dịch vụ; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Theo tính toán, tổng số tiền miễn giảm theo các phương án nêu trên khoảng 20 nghìn tỷ đồng và sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động của một số nhóm lĩnh vực dịch vụ như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí... tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.
Đánh giá cao gói hỗ trợ nêu trên, VCCI cho rằng, việc Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Đây được xem là giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh. Đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết, VCCI kiến nghị Chính phủ kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi; đồng thời có thêm các chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.
Bàn về vấn đề này, GS.,TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp… là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
Theo TS. Tô Hoài Nam – Thành viên tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ “góp phần” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vấn đề chính vẫn phải là năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế.