Chính sách tài khoá đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách hỗ trợ, đặc biệt là chính sách tài khoá đã kịp thời được ban hành để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Hàng loạt chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế đất nước, các chính sách về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất theo thẩm quyền của Chính phủ đã được triển khai từ tháng 4/2020. Thống kê cho thấy, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm và các hỗ trợ theo các chính sách đã ban hành trong năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, các chính sách này tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng; gói viễn thông 10.000 tỷ đồng; gói vắc xin 25.200 tỷ đồng; gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế khoảng 20.000 tỷ đồng.
Các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021.
Đặc biệt, mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng gói hỗ trợ từ giảm thuế và đang tiến hành lấy ý kiến đối với việc ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa
Chia sẻ tại “Diễn đàn kinh tế trực tuyến: Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19” do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức ngày 5/8/2021, TS. Tô Hoài Nam – Thành viên tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật - Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh có thể nói là rất kịp thời và hiệu quả. Theo khảo sát của Hiệp hội, đến 70% doanh nghiệp đánh giá là hài lòng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Tuy nhiên, ông Nam nhấn mạnh, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ “góp phần” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chứ không thể đóng vai trò quyết định. Vấn đề chính vẫn là năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế. Xét về lâu dài, các chính sách hỗ trợ ngắn hạn khi khó khăn kết hợp với các chính sách dài hơi đã có sẵn sẽ bổ trợ cho nhau để mang đến nguồn lực tốt hơn cho doanh nghiệp.
Cùng quan điểm này, GS.,TS. Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, Chính phủ vẫn dành ra nhiều khoản chi; nhiều chính sách sách miễn, giảm, giãn các khoản thuộc nghĩa vụ phải nộp của người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ các hộ kinh doanh mất nguồn thu, hỗ trợ người dân mất việc, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giảm tiền điện, nước, viễn thông,… là động thái rất đáng trân trọng và đáp ứng được những nhu cầu cấp bách.
Thời gian tới, bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của nhà nước, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các doanh nghiệp cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để “chen chân” được vào những chỗ “đứt gãy” của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của doanh nghiệp để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
Về vấn đề này, PGS.,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính cho chia sẻ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận với tư duy kinh doanh hiện đại là “win-win” tức là các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác để cùng chia sẻ khó khăn cùng tồn tại. Theo ông Trường, tới đây, doanh nghiệp cần phải tiếp tục thay đổi về tư duy kinh doanh, phương thức quản lý doanh nghiệp để phù hợp với điều kiện mới để đảm bảo sự tồn tại trước mắt và sự phát triển trong tương lai.