Đề xuất Hoàn thiện danh mục sản phẩm, hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường

Đào Thanh Phương - Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Thuế bảo vệ môi trường là một trong những công cụ kinh tế thông qua việc đánh thuế đối với những sản phẩm, hàng hóa thể hiện định hướng, điều tiết của Nhà nước, nhằm góp phần hạn chế việc tiêu dùng một số sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Qua quá trình thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường đến nay cho thấy, quy định về các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế.

Các sản phẩm, hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường và vấn đề đặt ra

Bảo vệ môi trường (BVMT) được xác định là một chủ trương, chính sách, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về BVMT, ngày 15/11/2010, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thuế BVMT số 57/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 với mục tiêu đánh thuế vào các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường nhằm nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng để giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn, từ đó BVMT sinh thái, góp phần khuyến khích phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường, cũng như tạo thêm nguồn lực để góp phần khôi phục môi trường sinh thái, phát triển kinh tế bền vững.

Khi xây dựng sắc thuế BVMT, trong quá trình lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu... có ý kiến đề nghị đánh thuế đối với tất cả các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường là rất nhiều, khó có thể đánh thuế được tất cả các sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là lượng hoá được mức độc gây tác động xấu đến môi trường của các sản phẩm, hàng hóa đó để đưa vào diện chịu thuế.

Hơn nữa, việc đánh thuế còn phải tính đến khả năng chịu đựng của người sản xuất và tiêu dùng, tính đến lợi ích trong lựa chọn giữa BVMT và phát triển kinh tế. Là một sắc thuế mới, để bảo đảm tính khả thi, tính hiệu quả trong quá trình thực hiện; cũng như đảm bảo sự hài hòa với phát triển kinh tế, không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng hoá xuất khẩu, nên khi ban hành Luật thuế BVMT, Quốc hội đã thống nhất chỉ chọn lựa một số sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường để quy định đối tượng chịu thuế.

Trên cơ sở đó, Luật Thuế BVMT quy định 08 nhóm sản phẩm, hàng hoá thuộc diện chịu thuế BVMT (đây là những sản phẩm, hàng hóa mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng), cụ thể:

- Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm: Xăng (trừ etanol); Nhiên liệu bay; Dầu diezel; Dầu hỏa; Dầu mazut; Dầu nhờn; Mỡ nhờn.

- Than đá, bao gồm: Than nâu; Than an-tra-xít (antraxit); Than mỡ và Than đá khác.

- Dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC): là nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh.

- Túi ni lông thuộc diện chịu thuế.

- Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng.

- Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng.

Ngoài ra, Luật Thuế BVMT cũng quy định trường hợp cần bổ sung sản phẩm, hàng hóa vào đối tượng chịu thuế thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quy định. Tuy nhiên, đến nay đã qua gần 12 năm triển khai thực hiện Luật Thuế BVMT, danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế vẫn chưa được bổ sung hay sửa đổi, trong khi kinh tế xã hội luôn vận động và phát triển không ngừng, kéo theo sự gia tăng phát thải của nhiều chất/sản phẩm gây ô nhiễm. Đồng thời, quá trình triển khai cho thấy, một số sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đến nay không còn phù hợp với thực tế phát sinh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, cụ thể:

Thứ nhất, số lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc diện chịu thuế BVMT hiện còn khiêm tốn so với mức độ gia tăng chất phát thải: Luật Thuế BVMT hiện hành chỉ quy định 8 nhóm sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, với sự phát triển của kinh tế xã hội, ngày càng phát sinh nhiều sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng hoặc thải bỏ có khả năng gây ô nhiễm môi trường với các mức độ phát thải khác nhau cần phải hạn chế sử dụng. Có thể kể đến một số sản phẩm, hàng hóa sau:

- Sản phẩm nhựa sử dụng một lần, vi nhựa: Nhiều nghiên cứu về sản phẩm nhựa sử dụng một lần, vi nhựa, cho thấy, đây là các sản phẩm rất khó phân hủy, lâu dần sẽ tích tụ trong môi trường gây ô nhiễm đất, không khí, ô nhiễm nguồn nước, gây đe dọa đến hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tại Việt Nam, gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ. Ước tính có khoảng 2,6-2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển. Cùng với tốc độ gia tăng dân số, nhu cầu sử dụng của người dùng các loại sản phẩm có chứa vi nhựa nêu trên và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cũng ngày càng tăng, đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển như hiện nay, dẫn đến môi trường đang phải gánh chịu nhiều nhựa thải hơn bao giờ hết.

- Các chất tẩy rửa: Chất tẩy rửa được sử dụng rất nhiều trong vệ sinh và được sử dụng rộng rãi, phổ biến tại nhiều nơi. Trong chất tẩy rửa có chứa các hóa chất tổng hợp và các hóa chất này có thể gây hại cho sức khỏe con người cũng như gây ô nhiêm môi trường khi sử dụng. Mức độ gây hại nhiều hay ít tùy theo hàm lượng nồng độ của hóa chất trong dung dịch hóa chất. Hàm lượng, nồng độ càng cao thì tác hại đến sức khỏe con người cùng như môi trường càng lớn.

- Phân bón hóa học (phân bón vô cơ): Khoản 6 Điều 61 Luật BVMT đã quy định việc hạn chế sử dụng phân bón vô cơ. Một trong những lý do là phân bón hóa học nếu được sử dụng nhiều (với hàm lượng vượt quá mức quy định cho phép) thì sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, các chất hóa học khi ngấm vào đất lâu dần làm cho đất đai bị bạc màu, môi trường sống trong đất cũng bị thay đổi. Mặt khác, sau khi sử dụng các chất hóa học sẽ theo nước thấm qua đất rồi ra sông, suối, xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đồng thời, các vi sinh vật trong đất và nước sẽ bị suy thoái rồi chết đi; việc này có thể dẫn tới việc mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Tùy vào thành phần, hàm lượng các chất có trong mỗi loại phân bón mà mức độ gây ô nhiễm đến môi trường của mỗi loại phân bón hóa học khác nhau.

- Chất kích thích tăng trưởng: Chất kích thích tăng trưởng được sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi dưới nhiều tên gọi thương mại khác nhau làm biến đổi gen giúp kích thích cây mọc khỏe, nhanh; tăng nhanh trọng lượng của gia súc, gia cầm. Chất kích thích tăng trưởng nếu sử dụng quá mức là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, liệt cơ, run cơ, phù nề, thậm chí dẫn đến ung thư, gây ra những biến đổi không bình thường cho cơ thể người sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích tăng trưởng.

- Săm, lốp cao su (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam): Săm, lốp cao su có thành phần gồm cao su tự nhiên, cao su tổng hợp, các chất phụ gia (có chứa kim loại). Theo các chuyên gia nghiên cứu, săm, lốp cao su giải phóng hóa chất độc hại ra môi trường tự nhiên, trong đó có kim loại nặng - cực kỳ độc hại đối với con người. Đặc biệt, khi cao su mòn đi, săm, lốp trơ trọi các hạt nhựa polymer nhỏ và chảy ra sông suối gây ra ô nhiễm cho đại dương. Săm, lốp cao su được xem là một trong những sản phẩm gây ô nhiễm nhựa phổ biến hiện nay.

- Pin, ắc quy chì (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam): Pin và ắc quy chì là sản phẩm khá phổ biến trên thị trường. Bên cạnh những sản phẩm pin khuyến khích sử dụng như pin năng lượng mặt trời... thì hầu hết các sản phẩm pin, ắc quy sau khi sử dụng được xếp vào danh sách những chất thải nguy hại và khó phân hủy (pin và ắc quy chì chứa nhiều chất độc hại trong đó có chì, nếu không được phân loại tiêu hủy đúng quy trình sẽ trở thành mối nguy hại cho môi trường và sức khỏe con người).

Thứ hai, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học để cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung sản phẩm, hàng hóa vào đối tượng chịu thuế: Trên thực tế có rất nhiều các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng hoặc thải bỏ đều có khả năng gây ô nhiễm môi trường với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm hay hàng hóa nào để bổ sung vào đối tượng chịu thuế BVMT là rất phức tạp. Nguyên nhân là do việc xác định, đánh giá mức độ gây tác động xấu đến môi trường của sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng, cũng như việc nhận diện những đối tượng gây ô nhiễm để thực hiện điều tiết thông qua chính sách thu thuế đối với những đối tượng này là rất khó khăn và phức tạp. Đồng thời, các quy định hiện hành chưa quy định rõ tiêu chí hay nguyên tắc xác định hàng hóa thuộc diện đánh thuế BVMT nên không có căn cứ pháp lý để thêm mới hàng hóa, sản phẩm gây ô nhiễm vào đối tượng chịu thuế BVMT.

Thứ ba, một số quy định về đối tượng chịu thuế chưa phù hợp với thực tế phát sinh và gây khó khăn trong việc xác định đối tượng chịu thuế, cụ thể:

- Việc quy định hàng hóa thuộc diện chịu thuế theo mục đích sử dụng không đảm bảo tính công bằng, giảm tính hiệu quả của chính sách trong việc hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm (vì cùng loại chất như nhau nhưng nếu sử dụng vào mục đích khác thì rất khó xác định để đánh thuế BVMT), cụ thể: Đối với dung dịch HCFC, Luật Thuế BVMT hiện hành chưa có quy định rõ ràng về thu thuế BVMT đối với chất hỗn hợp chứa dung dịch HCFC được sử dụng vào các mục đích khác với mục đích dùng làm môi chất lạnh (như chất Polyol có trộn sẵn HCFC-141b sử dụng để sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt).

- Tên gọi sản phẩm, hàng hóa chưa bao quát, việc mô tả mặt hàng thuộc diện chịu thuế chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến những sản phẩm, hàng hóa có thành phần chất cấu tạo như nhau nhưng tên gọi khác với tên gọi quy định tại Luật Thuế BVMT gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc xác định sản phẩm, hàng hóa thuộc hay không thuộc đối tượng chịu thuế, ví dụ: Túi ni lông thuộc diện chịu thuế là túi, bao bì được làm từ mang nhựa đơn polyetylen. Tuy nhiên, thực tế có nhiều sản phẩm ni lông khác cũng làm từ màng nhựa đơn polyetylen không phải là túi hay bao bì hoặc có tên gọi khác như flexitank, màng bọc... thì chưa có quy định thuộc đối tượng chịu thuế. Điều này dẫn đến sự thiếu công bằng trong thực thi chính sách.

Đề xuất hoàn thiện

Qua quá trình thực hiện chính sách thuế BVMT đến nay cho thấy, quy định về các sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần nghiên cứu để hoàn thiện nhằm đảm bảo tính bao quát, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tế.

Một là, xem xét mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế BVMT. Tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã đưa ra giải pháp cải cách thuế BVMT: “Nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế BVMT đối với hàng hóa gây ô nhiễm môi trường.”

Tại Luật BVMT và các văn bản hướng dẫn đã quy định nhiều loại sản phẩm, chất cần hạn chế sử dụng (như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học…). Việc bổ sung những sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm là phù hợp với định hướng của Đảng, nhà nước để góp phần hạn chế sử dụng những sản phẩm, hàng hóa này, hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện việc bổ sung đối tượng chịu thuế, đòi hỏi cần thực hiện đánh giá mức độ gây ô nhiễm môi trường của các sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động đến môi trường, để từ đó có đề xuất cụ thể nên bổ sung sản phẩm, hàng hóa nào vào đối tượng chịu thuế BVMT.

Bên cạnh đó, khi bổ sung sản phẩm, hàng hóa để đánh thuế BVMT cần phải tính đến khả năng chịu đựng của người sản xuất và tiêu dùng, tính đến lợi ích trong lựa chọn giữa BVMT và phát triển kinh tế. Thực tế, các quốc gia phát triển cũng phải cân nhắc rất nhiều về vấn đề phát triển kinh tế với BVMT. Không thể có sự phát triển kinh tế cao cùng với BVMT tốt khi điều kiện, nguồn lực tài chính có hạn. Do đó, nên có bước đi cẩn trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, hàng hóa để đánh thuế BVMT. Trong điều kiện nước ta hiện nay, chỉ nên lựa chọn những sản phẩm có ảnh hưởng tới môi trường trên diện rộng và xác định mức thuế hợp lý, đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như khả năng tiêu dùng của người dân.

Hai là, từ thực trạng nêu trên, để tạo cơ sở pháp lý khi phát sinh sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường cần phải bổ sung vào đối tượng chịu thuế, cần xây dựng tiêu chí, nguyên tắc bổ sung sản phẩm, hàng hóa vào đối tượng chịu thuế BVMT. Các sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường có rất nhiều loại, khó có thể đánh thuế được tất cả các hoạt động gây ô nhiễm được, đặc biệt là lượng hoá được các hoạt động đó để đưa vào diện chịu thuế. Do đó, để phù hợp với bản chất của thuế BVMT thì cần nghiên cứu, luật hóa một số nguyên tắc cơ bản sau làm cơ sở bổ sung đối tượng chịu thuế BVMT:

(i) Sản phẩm, hàng hóa bổ sung phải là những sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường.

(ii) Sản phẩm, hàng hóa bổ sung phù hợp với chủ trương, quan điểm, định hướng của Nhà nước trong việc hạn chế sản xuất, tiêu dùng các loại hàng hóa, sản phẩm gây tác động xấu đến môi trường.

(iii) Phải định danh, mô tả rõ ràng để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng trong triển khai thực hiện và quản lý thu thuế hiệu quả.

(iv) Đảm bảo tránh đánh thuế trùng; đảm bảo hài hòa với sự phát triển kinh tế và không tác động đến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam.

(v) Phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam tham gia và cam kết.

Việc xây dựng nguyên tắc, tiêu chí bổ sung đối tượng chịu thuế BVMT là yêu cầu khách quan từ thực tiễn để đảm bảo phù hợp với bản chất của thuế BVMT và cần sự điều tiết của Nhà nước trong việc định hướng hành vi tiêu dùng nhằm BVMT.

Ba là, cần rà soát, sửa đổi tên gọi, mô tả về sản phẩm, hàng hóa chịu thuế BVMT hiện hành không còn phù hợp để đảm bảo bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế, phù hợp pháp luật về BVMT, đảm bảo tính công bằng, đúng nguyên tắc thu thuế BVMT đối với sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường (không phân biệt theo mục đích sử dụng). Cụ thể:

- Đối với dung dịch HCFC: Cần nghiên cứu, sửa đổi khái niệm về dung dịch HCFC theo hướng quy định dung dịch HCFC thuộc đối tượng chịu thuế BVMT đảm bảo nguyên tắc những sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường cần phải đánh thuế không phân biệt mục đích sử dụng, tên gọi khác nhau.

- Đối với túi ni lông: Cần nghiên cứu, sửa đổi tên gọi cũng mô tả sản phẩm túi ni lông để đảm bảo phù hợp với pháp luật về BVMT, đảm bảo bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế, đảm bảo tính công bằng đối với những sản phẩm tuy tên gọi khác nhau nhưng có thành phần chất giống nhau thì đều phải thuộc diện chịu thuế như nhau.

Kết luận

Dự kiến, trong thời gian tới, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ gây sức ép đối với công tác quản lý nhà nước về BVMT. Vì vậy, nhằm hạn chế lượng phát thải những sản phẩm, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tạo môi trường sống Việt Nam có chất lượng tốt, việc hoàn thiện Danh mục sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế BVMT trong thời gian tới là cần thiết để đảm bảo các chủ thể gây thiệt hại cho môi trường thông qua việc sử dụng những sản phẩm, hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường phải có nghĩa vụ nộp thuế như là một cách để chịu trách nhiệm về hành vi của mình đối với môi trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Quốc hội, Luật Thuế BVMT;
  2. Quốc hội, Luật BVMT;
  3. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;
  4. Chính phủ, Báo cáo số 83/BC-CP ngày 22/3/2021 về công tác BVMT năm 2020;
  5. Bộ Tài chính, Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Thuế BVMT.