Đề xuất một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đầu tư là một hoạt động góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó đầu tư công là hình thức đầu tư của Nhà nước chủ yếu tập trung vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và thường chiếm lượng vốn lớn trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội.
Tại Đắk Lắk, hiện nay vốn đầu tư công chiếm tỷ trọng trên 25% tổng chi ngân sách địa phương. Nhằm đạt mục tiêu nâng cao chất lượng hiệu quả vốn đầu tư, sớm đưa dự án, công trình vào sử dụng, trung tuần tháng 5/2022 vừa qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đắk Lắk đã phối hợp với các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án (gọi tắt là các chủ đầu tư) tổ chức hội nghị bàn bạc, trao đổi, tìm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, qua đó phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp nâng cao chất lượng giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Qua thảo luận tại hội nghị, KBNN Đắk Lắk và các chủ đầu tư của Tỉnh đã thống nhất đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Cụ thể, việc phân bổ, giao kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư cần được các cấp, các ngành quan tâm, ưu tiên bố trí đủ vốn đối với các công trình kéo dài nhiều năm, các dự án đã có khối lượng hoàn thành để thanh toán dứt điểm, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản, sớm đưa dự án, công trình đi vào khai thác để phát huy hiệu quả, đồng thời tiến hành quyết toán dự án hoàn thành, xác định tài sản hình thành và quản lý theo quy định hiện hành.
Tích cực đôn đốc thu hồi tạm ứng, nhất là các dự án tạm ứng kéo dài nhiều năm. Đối với vốn tạm ứng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, khi xây dựng, thẩm định phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần tính toán chi tiết, cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo tính khả thi cao để thuận lợi chi trả cho dân, tránh việc hủy bỏ phương án phải lập lại nhiều lần vừa mất thời gian, vừa chậm đưa tiền bồi thường đến người dân, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng thi công.
Trường hợp kinh phí rút chi trả cho dân đã quá 3 tháng nhưng người dân chưa đồng thuận, chưa nhận tiền thì các chủ đầu tư nộp vào tài khoản của đơn vị mở tại KBNN để bảo toàn vốn và thuận lợi trong việc chi trả cho lần sau. Việc nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư có ý nghĩa tích cực trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong điều kiện đang thiếu vốn, cần vốn.
Bởi, theo chế độ quy định hiện hành, nếu nguồn kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư rút ra khỏi KBNN quá 1 năm mà chưa chi trả cho dân sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước, sau đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, bố trí kế hoạch vốn theo quy định.
Đối với tạm ứng xây lắp, mua sắm thiết bị, các chủ đầu tư cần xem xét, phối hợp thỏa thuận với nhà thầu về tỷ lệ thu hồi tạm ứng qua các lần thanh toán đảm bảo thu hồi nhanh, kịp thời các khoản kinh phí tạm ứng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh.
Trường hợp tạm ứng kéo dài nhiều năm hoặc khó có khả năng thu hồi cần kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo xử lý, tránh rủi ro, mất vốn… Khi có khối lượng, các chủ đầu tư cần nhanh chóng tập hợp hồ sơ gửi đến KBNN để thu hồi vốn tạm ứng, tránh kéo dài và dồn đến cuối năm hoặc phải chuyển nguồn sang năm sau.
Căn cứ chế độ quy định thì vốn ứng trước phải được cấp có thẩm quyền bố trí kế hoạch vốn năm sau để thu hồi, do đó các chủ đầu tư tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn để thu hồi vốn ứng trước, đảm bảo kịp thời, không kéo dài nhiều năm, qua đó xác định chính xác lượng vốn đã giải ngân trong năm kế hoạch.
Công tác đối chiếu, xác nhận số liệu làm căn cứ chuyển nguồn hoặc hủy bỏ số dư dự toán hằng năm theo quy định hoặc phục hồi số dư dự toán (trường hợp cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng), ghi thu - ghi chi vốn ODA… cần được phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan KBNN và các chủ đầu tư, đảm bảo số liệu chính xác, thuận lợi trong việc theo dõi tạm ứng, thanh toán, sử dụng và quyết toán vốn công trình, dự án.
Các chủ đầu tư phối hợp với KBNN trong việc khai thác các tiện ích trên chương trình dịch vụ công KBNN đảm bảo việc gửi - nhận chứng từ điện tử thông qua ứng dụng dịch vụ công mức độ 4 thuận lợi, tránh sai sót, nhầm lẫn phải gửi - nhận nhiều lần, ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, thanh toán vốn của KBNN.