Bộ trưởng Hồ Đức Phớc:

"Giải quyết ngay tại hiện trường, ngay tại nút thắt" giải ngân vốn đầu tư công

Trần Huyền

Sáng ngày 18/5/2022, Tổ công tác số 6 của Chính phủ về kiểm tra, đốn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã họp trực tuyến với 05 địa phương: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước. Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương phải đôn đốc, giải quyết ngay tại hiện trường, ngay tại nút thắt.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về phía Bộ Tài chính có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ. Tại điểm cầu của 05 địa phương có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND Tỉnh, các sở ngành thuộc Tỉnh.

Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hội nghị nhằm đánh giá thực trạng giải ngân thời gian qua, chủ yếu tập trung vào tồn tại khó khăn, vướng mắc và giải pháp của 6 tháng cuối năm nhằm đảm bảo vốn đầu tư công giải ngân tối đa.

Theo Bộ trưởng, hiện nay số vốn Chính phủ giao cho 5 tỉnh là hơn 26.000 tỷ đồng và hiện nay mới giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng. Như vậy, đã gần hết nửa năm, nhưng tỷ lệ giải ngân rất thấp, chưa kể nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia vừa phân bổ, nguồn vốn ngân sách nhà nước và gói kích cầu. Nếu cộng các nguồn vốn này thì tỷ lệ giải ngân lại càng thấp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong điều kiện hiện nay, khi vừa trải qua dịch COVID-19, để phục hồi nền kinh tế thì giải pháp tăng cường đầu tư công, đầu tư hạ tầng thu hút đầu tư công... sẽ kích cầu kinh tế. Do đó, đòi hỏi phải tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, càng giải ngân nhanh càng phục hồi nhanh, đảm bảo GDP phát triển, giải quyết việc làm. Vì vậy, cần tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thúc đẩy các dự án nhanh bàn giao và đưa vào sử dụng.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Bước cho biết, đến thời điểm hiện tại, Tỉnh đã thực hiện phân bổ 100% kế hoạch vốn đồng thời cũng đã giải ngân đạt 20% kế hoạch. Theo bà Trần Tuệ Hiền, nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bình Phước gặp khó khăn đó là do công tác giải phóng mặt bằng chậm; thời gian thực hiện phê duyệt các bản vẽ thiết kế thi công mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân khách quan như việc tăng giá nguyên vật liệu, mùa mưa đến sớm nên đã ảnh hưởng tới tiến độ thi công.

Tại điểm cầu Vĩnh Phúc, ông Vũ Việt Văn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đến thời điểm ngày 4/5/2022, Tỉnh này mới giải ngân đạt hơn 21% kế hoạch là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng như thời điểm lễ tết đầu năm nhiều công trình bị giãn thi công. Hơn nữa, Vĩnh Phúc có nhiều dự án trọng điểm có quy mô tổng mức đầu tư lớn khiến thời gian thực hiện thủ tục đầu tư mất thời gian. Tỉnh này còn khó khăn về thẩm quyền trong việc kéo dài thực hiện, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương...

Kiến nghị tại hội nghị, các tỉnh đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương trong nước đã được giao kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; sớm thông báo kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2022 cho các Chương trình mục tiêu quốc gia để kịp thời chuẩn bị thủ tục, giải ngân kế hoạch vốn được giao và sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; hướng dẫn việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý việc tăng giá nguyên nhiên, vật liệu để địa phương có căn cứ thực hiện điều chỉnh các dự án...

Các địa phương tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến.
Các địa phương tham dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trao đổi, làm rõ các kiến nghị, đề xuất của 05 địa phương.

"Giải quyết ngay tại hiện trường, ngay tại nút thắt"

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc điểm lại những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất của các địa phương. Theo đó, khó khăn về thủ tục hiện nay, đặc biệt là thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng, thực chất đây là vấn đề nằm trong chuẩn bị đầu tư.

Các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc như: thủ tục đầu tư chậm, vấn đề đấu thầu, thực hiện hợp đồng chậm, phân bổ vốn chậm...,  vấn đề giải phóng mặt bằng ngoài chậm thì vấn đề quan trọng là xung đột về giá. Đây cũng là nút thắt cần tập trung tháo gỡ. Bên cạnh đó, còn hạn chế về năng lực thi công của nhà thầu yếu, giá vật liệu lên cao lại dừng triển khai...

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cơ chế chính sách vẫn phải sửa đổi nhưng thực tiễn triển khai cũng phải chủ động, sáng tạo, tránh tâm lý sợ trách nhiệm. "Lãnh đạo các địa phương phải đôn đốc, giải quyết ngay tại hiện trường, giải quyết ngay tại nút thắt." - Bộ trưởng nói.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện thủ tục; tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng; đôn đốc thi công nhanh, bố trí vốn đủ để tạm ứng thanh toán; rà soát điều chỉnh vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh để huy hiệu quả sớm.

Theo Bộ trưởng, các địa phương cần phân bổ hết vốn, không nên trả lại bởi nguồn vốn đầu tư công có vai trò rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương cũng như cả nước. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra công tác giải ngân, giải phóng mặt bằng và đôn đốc thưc hiện công trình dự án đầu tư.

Bộ trưởng đề nghị UBND tỉnh giao một Phó Chủ tịch phụ trách chuyên trách làm Trưởng ban chỉ đạo của địa phương về giải ngân vốn đầu tư công; cần sát sao, trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Sau hội nghị hôm nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các địa phương, phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội để sửa đổi các văn bản pháp luật. Trường hợp cấp bách có thể đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết.