Đề xuất thêm nhiều trường hợp “độ xe” vẫn được đăng kiểm

PV.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến cho Dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014 quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Trong dự thảo, nhiều đề xuất cho phép chủ sở hữu xe thay đổi chi tiết, độ thêm phụ tùng, phụ kiện vẫn được đăng kiểm.

Nhiều đề xuất cho phép chủ sở hữu xe thay đổi chi tiết, độ thêm phụ tùng, phụ kiện vẫn được đăng kiểm.
Nhiều đề xuất cho phép chủ sở hữu xe thay đổi chi tiết, độ thêm phụ tùng, phụ kiện vẫn được đăng kiểm.

Cụ thể, những chi tiết độ được Bộ Giao thông vận tải đề xuất có thể thông qua chủ yếu liên quan tới hình thức, không can thiệp kết cấu. Ví dụ, nếu xe thay thế cụm đèn chiếu sáng phía trước bằng cụm đèn đã được chứng nhận theo quy định mà không cần phải gia công, thay đổi kết cấu của xe thì không cần lập hồ sơ thiết kế cho xe cơ giới cải tạo. Thông tư số 85/2014 hiện không có quy định này.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép chủ xe lắp thêm đèn sương mù dạng rời, lắp thêm giá nóc của ôtô con mà không làm thay đổi chiều rộng xe. Bên cạnh đó, chủ xe cũng có thể độ các chi tiết, bộ phận thân vỏ là tùy chọn của hãng sản xuất xe nguyên bản nhưng không làm thay đổi kích thước tổng thể xe. Việc thay đổi kiểu dáng một số chi tiết của thân vỏ như mặt ca-lăng, cánh lướt gió, bậc bước chân mà không làm thay đổi kích thước của xe cũng được coi là hợp lệ khi xe đi đăng kiểm.

Dự thảo cũng quy định, các sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới theo quy định sau: Cải tạo, lắp đặt các hệ thống, tổng thành bao gồm: khung; động cơ; truyền lực; buồng lái, thân xe hoặc thùng chở hàng, khoang chở khách; hệ thống điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu của xe tải (kể cả ô tô tải không có thùng xe đã qua sử dụng nhập khẩu), xe tải chuyên dùng; xe chở người đến 25 chỗ (kể cả chỗ người lái), kể cả trường hợp cải tạo xe chở người trên 25 chỗ thành xe chở người đến 25 chỗ.

Ngoài ra, các sở Giao thông Vận tải cũng chịu trách nhiệm thẩm định việc lắp đặt ghế ngồi trên thùng xe của xe ô tô tải tập lái, sát hạch; cải tạo xe ô tô chở người thành xe ô tô cứu thương, ô tô tang lễ; cải tạo xe ô tô chở người từ 16 chỗ (kể cả chỗ người lái) trở xuống thành xe ô tô tải VAN.

Về việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, xe cơ giới sau khi thi công cải tạo và phù hợp với thiết kế đã thẩm định đạt yêu cầu phải được cơ quan nghiệm thu cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo theo mẫu quy định. Người nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là đăng kiểm viên đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam tập huấn nghiệp vụ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định trong công tác cải tạo xe cơ giới.

Đáng chú ý, các trường hợp sau đây phải thực hiện nghiệm thu tại cơ sở cải tạo (phần kiểm tra, đánh giá kết cấu thực tế xe cơ giới theo hồ sơ thiết kế) và tại đơn vị đăng kiểm (phần kiểm tra, đánh giá theo quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới) bao gồm: Cải tạo toàn bộ buồng lái, thân xe, khoang chở khách của xe chở người; cải tạo lắp mới thùng xe của xe tải thành xe tải thùng kín (có hai mặt của vách thùng xe được bọc kín), xe tải bảo ôn, xe tải đông lạnh cần phải kiểm tra và nghiệm thu phần kết cấu khung xương của thân xe, thùng xe theo thiết kế trước khi hoàn thiện.