Đề xuất trao thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt, lãi suất 0%
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đang trình Quốc hội theo hướng trao cho Ngân hàng Nhà nước thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt; đồng thời đề xuất luật hoá 3 nhóm chính sách về xử lý nợ xấu.
Theo chương trình tại phiên họp ngày 20/5/2025 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Trao quyền cho NHNN để rút ngắn thời gian xử lý
Một trong những điểm đáng chú ý của việc sửa đổi Luật lần này là điều chỉnh thẩm quyền quyết định từ Thủ tướng Chính phủ cho NHNN đối với trường hợp khoản cho vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, khoản cho vay đặc biệt không có tài sản bảo đảm.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc chuyển thẩm quyền này nhằm triệt để phân cấp, phân quyền cho NHNN trong việc quyết định cho vay đặc biệt; tăng cường vai trò, nâng cao trách nhiệm của thành viên Chính phủ.
Hơn nữa, quy định này giúp giảm bớt khâu trung gian trong quá trình triển khai thực hiện; từ đó, góp phần rút ngắn thời gian xử lý bảo đảm việc tổ chức thực hiện kịp thời, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc tổ chức thực hiện quy định về thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt sẽ đảm bảo kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, khả thi, an ninh, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí và vi phạm pháp luật.
Thẩm tra về sửa đổi này, báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cũng bày tỏ tán thành việc điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc cho vay đặc biệt.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát các quy định hiện hành về cho vay đặc biệt; nghiên cứu quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất 0%/năm, khoản vay không có tài sản đảm bảo; quy định rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục cho vay và có các biện pháp tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tổn thất có thể xảy ra.
Đồng thời, cần rà soát các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 liên quan đến thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt để sửa đổi, bổ sung phù hợp với việc phân cấp thẩm quyền cho NHNN, tránh phát sinh vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Đồng bộ pháp lý về xử lý nợ xấu
Một điểm cũng đáng được quan tâm tại Dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng lần này là việc Chính phủ trình Quốc hội luật hóa một số nhóm chính sách hiệu quả tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Theo tờ trình của Chính phủ, nợ xấu của hệ thống tín dụng vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021 - 2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
Vì thế, việc tiếp tục luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, đảm bảo phù hợp với thực tiễn nhằm xử lý các vướng mắc, khó khăn đã và đang cản trở tổ chức tín dụng. Theo đó, 3 chính sách được luật hoá bao gồm:
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng.
Thứ hai, tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng.
Thứ ba, đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong vụ việc vi phạm hành chính sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.

Tán thành với những đề xuất của Chính phủ, nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị rà soát, xác định đầy đủ, toàn diện các trường hợp cần chuyển tiếp, tránh tạo khoảng trống pháp lý hoặc xung đột pháp luật.
Chẳng hạn, về quy định hoàn trả tài sản đảm bảo là tang vật, vật chứng trong các vụ án hình sự, vụ việc vi phạm thì cần rà soát các quy định cụ thể, tránh dẫn đến xung đột trong trường hợp giá trị tài sản lớn hơn giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ, nhiều bên cùng nhận bảo đảm và cùng đề nghị hoàn trả. Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, trường hợp cần thiết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn các trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục cụ thể.