Đèn LED- cơ hội và thách thức tại Việt Nam

PV.

(Tài chính) Ngày 5/12, tại Hà Nội, Diễn đàn Môi trường Việt Nam phối hợp Hội Chiếu sáng Việt Nam; Hội Khoa học và Công nghệ Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả, Hội Vật lý Việt Nam và Viện Tiến tiên Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) tổ chức hội thảo “Đèn LED- cơ hội và thách thức tại Việt Nam” nhằm nhận diện về cơ hội, thách thức đối với đèn LED ở Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về công nghệ đèn LED với tư cách là một trong những giải pháp đột phá tiết kiệm năng lượng và cải thiện chất lượng chiếu sáng cho xã hội trong những năm tới. Đèn LED được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường chiếu sáng thương mại năm 2015; Tăng cường hiểu biết về thực trạng nghiên cứu và thị trường đèn LED Việt Nam…

Được biết, giải Nobel Vật lý năm 2014 được trao cho hai nhà khoa học Nhật Bản và một nhà khoa học Mỹ gốc Nhật với “phát minh ra các diode phát ánh sáng màu xanh (blue LED) cho phép tạo ra các nguồn sáng trắng sáng hơn và tiết kiệm năng lượng”.

Các đặc điểm lớn nhất của LED là có hiệu suất phát sáng cao hơn bóng sợi đốt lên đến 90%; Có thể phát ra màu sắc như ý muốn mà không cần bộc lộ màu theo phương pháp truyền thống; Có kích thước rất nhỏ (có thể nhỏ hơn 2 mm2) vì vậy có thể bố trí dễ dàng trên mạch in; Có thời gian bật và tắt rất nhanh kể từ lúc có tác động. Điều này rất quan trọng trong thông tin liên lạc, lĩnh vực yêu cầu có thời gian đáp ứng nhanh; Có thể dễ dàng điều khiển độ sáng tối bằng phương pháp điều khiển chế độ rộng xung hoặc tăng giảm dòng điện tác động; Có tuổi thọ cao thực tế, khoảng 35000 đến 50000 giờ, lớn hơn nhiều lần so với bóng huỳnh quang và sợi đốt; Độ bền cao do LED được làm từ vật liệu bán dẫn, rất khó bị phá hủy bởi sự va đập; Có độ an toàn cao vì LED không gây độc hại, thân thiện với môi trường. Các diode xanh lá và đỏ đã xuất hiện từ khá lâu nhưng vì không có ánh sáng xanh nên không thể tạo ra các bóng đèn trắng.

Từ phát minh blue LED đoạt giải Nobel, dự kiến 2015, công nghệ LED sẽ thống trị thị trường chiếu sáng thương mại thế giới. Được biết, tại Việt Nam, từ năm 2010, đèn LED đã được đưa vào ứng dụng không giới hạn trong các lĩnh vực xã hội và nhà ở. Những nghiên cứu và ứng dụng LED diễn ra rất nhanh nhưng đã gặp không ít những trở ngại. “Công nghệ chiếu sáng LED vẫn quá đắt so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác. Mặt khác, chất lượng sản phẩm chiếu sáng LED nhập từ Trung Quốc hoặc có tổ hợp tác Việt Nam nhập linh kiện về lắp ráp sao chép đơn giản, gây ấn tượng xấu với những quảng cáo phóng đại. Rào cản này khiến LED chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam”, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội chiếu sáng Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng đông cho biết.