Đến năm 2021, nâng xếp hạng chỉ số nộp BHXH lên 30 - 40 bậc
Đây là một trong những mục tiêu cụ thể Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Tại Nghị quyết 02, Chính phủ khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 19 hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chỉ định đầu mối, thiết lập cơ chế theo dõi thực hiện Nghị quyết số 19 cũng như theo dõi việc cung cấp thông tin và kết quả đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như Bộ Công thương (chỉ số tiếp cận điện năng); Bộ Tài chính (chỉ số nộp thuế); Bộ Khoa học và Công nghệ (chỉ số đổi mới sáng tạo) và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam (chỉ số nộp BHXH).
Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016. Trong đó, đáng chú ý, chỉ số nộp thuế và BHXH tăng 36 bậc.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 02 đặt ra mục tiêu nâng xếp hạng chỉ số nộp BHXH lên 30 - 40 bậc đến năm 2021, năm 2019 nâng từ 7 - 10 bậc. Đồng thời yêu cầu, BHXH Việt Nam làm đầu mối theo dõi việc cải thiện chỉ số nộp BHXH.
Đối với việc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Chính phủ yêu cầu BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH cấp tỉnh thực hiện các giải pháp vận động, khuyến khích phát triển người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.