Thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội
Dù các mục tiêu đã được xác định cụ thể, thế nhưng trên thực tế việc một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thực sự là những trở ngại xã hội trong tương lai.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, BHXH là chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 28, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã đặt các mục tiêu được đề ra qua các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
Trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%. Giai đoạn đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5%; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 85%.
Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ khoảng 29% lực lượng tham gia BHXH, còn lại tới 70% lực lượng lao động cả nước chưa tham gia BHXH. Để đạt mục tiêu đề ra sẽ là một thách thức không nhỏ, cần có giải pháp căn cơ và bền vững để tăng độ phủ BHXH, bảo đảm cuộc sống bền vững cho người lao động.
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Hà, lao động di cư, đặc biệt lao động nữ di cư là lực lượng lao động tích cực trên thị trường, tham gia vào cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên họ cũng là nhóm dân số phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình làm việc và sinh sống tại nơi đến; là nhóm dân số chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương trong xã hội, nhưng mạng lưới an sinh xã hội từ trước đến nay chưa bao phủ nhiều đến họ, đặc biệt là nhóm đang làm ở khu vực kinh tế phi chính thức.
Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước có hơn 50 triệu người thuộc độ tuổi lao động, trong đó chỉ gần 15 triệu người tham gia chính sách BHXH và phần lớn thuộc nhóm có quan hệ lao động. Như vậy, có tới hơn 35 triệu lao động còn lại đang chưa có điều kiện tham gia BHXH, chủ yếu thuộc khu vực không có quan hệ lao động như nông thôn, lao động thời vụ, lao động tự do…
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, mục tiêu là tất cả lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên phải tham gia hệ thống BHXH để tiến tới BHXH toàn dân cho lực lượng lao động. Như vậy, 20 năm sau mới đạt được 100% người cao tuổi có nguồn thu nhập từ lương hưu để bảo đảm tuổi già. Bài toán đặt ra của chúng ta thực hiện Nghị quyết 28 của Trung ương là làm sao để bao phủ nhanh, rộng và toàn diện lực lượng lao động tham gia BHXH, đó chính là khó khăn và thách thức.