Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP phải đạt trên 40%

PV.

Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp; Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, Việt Nam tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Xác định rõ điều này, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đưa ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP của nước ta phải đạt trên 40%; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo phấn đấu đạt tối thiểu 45%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm; Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN…

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết số 23-NQ/TW chỉ rõ, các giải pháp chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên.

Theo đó, việc lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển sẽ phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan lợi thế của đất nước; Là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; Có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan tỏa cao đến các ngành kinh tế khác; Sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; Một số ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế.

Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp khác; Công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Các ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh, kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng được ưu tiên phát triển. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa; Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí như: ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế…

Giai đoạn 2030-2045, Việt Nam tập trung ưu tiên phát triển các thế hệ mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông; phổ cập công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, thiết bị cao cấp, vật liệu mới, công nghệ sinh học.

Nghị quyết số 23-NQ/TW cũng nêu rõ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các ngành công nghiệp ưu tiên sẽ theo cơ chế thị trường, tuân thủ các điều khoản cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; có thời hạn cụ thể (trung bình là 5 năm nhưng không quá 10 năm). Đầu tư của Nhà nước vào các ngành công nghiệp ưu tiên chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia; không dàn trải trong lựa chọn các ngành công nghiệp ưu tiên, bảo đảm đủ các nguồn lực cần thiết.