Dệt may không lỡ hẹn
Có “nhiệm vụ” giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động, dệt may đồng thời là ngành mang lại giá trị xuất khẩu lớn cho đất nước. Để có thể hoàn thành mục tiêu đưa xuất khẩu hàng dệt may đạt 39 tỷ USD trong năm 2021, nhiều nhà máy đang sáng đèn 24/24 giờ, công nhân chia ca làm việc, nỗ lực để những sản phẩm dệt may từ Việt Nam xuất ngoại, kịp lên kệ đúng thời điểm mua sắm lớn nhất năm ở các thị trường lớn trên thế giới.
Chạy đua sản xuất để kịp đơn hàng
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty CP May 10 (gọi tắt là May 10), người có hơn 20 năm gắn bó với ngành dệt may của Việt Nam cho biết, một trong những kỷ niệm lớn nhất trong đời làm nghề của ông là được “mục sở thị” chuỗi cung ứng của ông lớn thời trang thế giới-Zara ở La Coruna, Tây Ban Nha.
Ông Việt ngạc nhiên vì Zara có 80.000 nhà cung cấp toàn cầu và hàng nghìn cửa hàng trên thế giới. Trong số những nhà cung cấp của Zara, không ai khác chính là khách hàng của họ. Đây là điều mà ngành dệt may Việt Nam chưa làm được.
Sản phẩm chính của May 10 là sơ-mi, veston và quần âu. Ông Thân Đức Việt cho hay, May 10 may 120.000 bộ veston, 1,2 triệu áo sơ-mi và 600.000 quần âu mỗi tháng. Mã hàng lên đến 1.000 và một chiếc áo sơ-mi có thể có tới 800 mẫu mã khác nhau. Tuy nhiên, May 10 vẫn chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi cung ứng thời trang thế giới.
Theo CEO May 10, 60-70% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam là mua từ Trung Quốc. Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát trong năm 2021 đã khiến chuỗi cung ứng đứt gãy. Do thiếu nguồn cung, đồng thời để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhiều nhà máy trực thuộc tổng công ty phải tạm đóng cửa. Như thời điểm tháng 7/2021, dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, Xí nghiệp may Hà Quảng của tổng công ty đã phải tạm dừng sản xuất khoảng một tháng và đã được hoạt động trở lại từ ngày 25/9.
Đến tháng 10/2021, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà máy, xí nghiệp lập tức bắt tay vào sản xuất, kinh doanh. “Việc Hà Nội nới lỏng các biện pháp giãn cách đã giúp các doanh nghiệp có được luồng sinh khí mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Tổng giám đốc May 10 cho rằng, từ khi Chính phủ xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và chính thức có hướng dẫn doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì May 10 đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tiến độ giao hàng cho đối tác. Tất cả người lao động của May 10 đều làm việc hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để đúng hẹn với khách hàng, giữ thương hiệu.
“Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV/2021 này May 10 không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý, mà còn có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III/2021 do phải nghỉ giãn cách”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Không riêng May 10, những ngày này, nhiều nhà máy tại các khu công nghệ cũng dần trở lại nhịp làm việc bình thường mới và duy trì thực hiện “mục tiêu kép”. Các nhà máy đã sáng đèn, tiếng máy móc rền vang cho ra lò những sản phẩm, linh kiện để kịp các đơn hàng xuất khẩu. Các tổ máy đã “phủ kín” công nhân.
Trong phân xưởng rộng chừng 500 m² được xây khép kín giữa khuôn viên nhà máy chuyên sản xuất veston, hàng trăm công nhân Công ty CP Tập đoàn may Hồ Gươm cho “ra lò” liên tục những bộ veston mới. Không khí làm việc tại các phân xưởng của may Hồ Gươm những ngày này sôi nổi hơn bao giờ hết.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn may Hồ Gươm cho biết, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đã tạo đà cho doanh nghiệp ổn định sản xuất để kịp các đơn hàng cuối năm cho đối tác, cũng như bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Toàn bộ các phân xưởng, máy móc đều đã hoạt động 24/24 giờ và công nhân chia ba ca để cả ngày lẫn đêm vẫn điều khiển máy, nhằm kịp sản xuất những đơn hàng đang vào giai đoạn nước rút. Mỗi ngày, hơn 2.000 công nhân tại các phân xưởng làm ra 3.000 sản phẩm xuất khẩu.
“Cách đây hơn hai tháng, khi dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, chúng tôi chậm giao hàng cho đối tác nên đã bị phạt. Nhưng đó là câu chuyện thương trường, doanh nghiệp buộc phải chấp nhận. Không vì điều đó mà chúng tôi nản. Hiện tại, cán bộ, công nhân viên và người lao động cùng chung tay để sản xuất kịp các đơn hàng cho đối tác. Giữ bằng được đơn hàng là nhiệm vụ của toàn thể ban lãnh đạo và công nhân lao động trong công ty”, ông Trịnh nói và cho biết, đến thời điểm này, doanh nghiệp đã hoàn thành 100% kế hoạch năm 2021, doanh thu ước đạt 20 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may cán mốc 39 tỷ USD
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, đối với dệt may Việt Nam, mặc dù các nhà máy khu vực phía nam bị ảnh hưởng phải đóng cửa vì dịch bệnh trong quý III, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2021 vẫn đạt 32,4 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020 và cũng gần tương đương cùng kỳ năm 2019. Nếu hai tháng cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu đạt 3 tỷ USD thì dự kiến cả năm 2021 xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so năm 2020.
“Sau chín tháng năm 2021, tập đoàn đã vượt 35% kế hoạch năm và phục hồi về mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát năm 2019. Lợi nhuận năm 2021 dự kiến cao gấp hơn hai lần năm 2020 và có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía nam của tập đoàn không bị ảnh hưởng bởi dịch. Bù lại năm nay, lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của tập đoàn”, ông Vương Đức Anh cho hay.
Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tiền đề tăng trưởng âm 9,8% của năm 2020 khiến dệt may bước vào năm 2021 với nhiều nỗi lo. Đặc biệt, xuất khẩu dệt may tháng 7, 8 và 9 liên tục giảm, đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tình hình đó chỉ chấm dứt khi sang tháng 10, khi Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, đã có thể giao các đơn hàng.
Theo đại diện VITAS, việc sản xuất của doanh nghiệp được khôi phục vào cuối năm 2021 đã giúp ngành dệt may đạt 39 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tương đương với năm 2019. Trong đó, hàng may mặc đạt 28,9 tỷ USD, tăng 4% so năm 2020; xơ, sợi dự kiến đạt 5,5 tỷ USD, tăng hơn 49% chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.