Di dời các trường đại học ra khỏi nội thành Hà Nội: “Đất vàng” dành cho ai?
12 trường đại học thuộc khu vực nội thành đã có tên trong danh sách phải di dời ra khỏi nội thành, để lại những “mỏ vàng lộ thiên” giữa bản đồ Thủ đô Hà Nội.
Quỹ đất vàng đồ sộ…
Trường Đại học Luật Hà Nội (số 87 - đường Nguyễn Chí Thanh, TP. Hà Nội) có tổng diện tích 5.690 m2 là mảnh “đất vàng” tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, một khu vực đắc địa. Đây cũng là trường thuộc diện di dời ra khỏi nội thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Điều đáng nói là, dù từ nhiều năm nay, việc di dời các trường đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo “bắn tiếng”, nhưng đến thời điểm hiện tại, giảng đường A nằm ngay mặt tiền của Đại học Luật vẫn đang… thi công xây dựng.
Không chỉ trường Đại học Luật, hàng loạt trường đại học khác cũng có “lợi thế” về vị trí, cũng như diện tích đất đắt giá trong nội thành. Minh chứng là Trường Đại học Xây dựng (số 55 - đường Giải Phóng, quận Hai Bà Trưng) có tổng mặt bằng có diện tích khoảng 2 ha cũng là một khu đất “trong mơ” khi nằm kẹp giữa đường Giải Phóng và đường Trần Đại Nghĩa; Trường đại học Y tế công cộng (số 138 - Giảng Võ) trải dài trên mặt tiền phố Giảng Võ với tổng diện tích 15.600 m2… cùng nhiều trường, cơ sở đào tạo khác.
Hiện có rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, các quỹ phát triển bất động sản muốn sở hữu những mảnh đất đắc địa để phát triển dự án. Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng để có được “tấm vé” khi nhiều khó khăn vẫn chưa được giải quyết. Thông tin mới nhất cho thấy, vẫn chưa có trường nào tìm được “nhà mới” trước lúc lên phương án “hóa giá” nhà cũ.
Đắt khách, nhưng vẫn lo
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, 12 trường đại học trên sẽ thuộc diện di dời cùng với 11 cơ sở giáo dục khác phải cải tạo. Từ tháng 2 đến tháng 8/2011, các trường phải phối hợp với các địa phương để đăng ký kế hoạch di dời đến địa điểm mới theo quy hoạch với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến thời điểm này, chưa có trường nào đăng ký với TP. Hà Nội về phương án di chuyển. Vấn đề nằm ở chỗ là thiếu “điểm đến”, chứ không hẳn do không giải quyết được “nhà cũ”.
Lý do là trong phương án di dời và xây dựng các trường đại học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết, hiện kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất dành cho các trường đại học rất hạn hẹp, nên việc Nhà nước đầu tư vài ngàn tỷ đồng mua khu đất mới xây trường là không có. Hướng giải quyết sẽ là hóa giá đất nội thành để tạo nguồn vốn đầu tư khu mới.
Như vậy, việc giải quyết các “mảnh đất vàng” trong nội thành đã có chủ trương. Các trường đại học được tự chủ lập đề án để quyết định số phận của mình. Tùy theo điều kiện và khả năng, các trường có thể đấu giá đất lấy kinh phí xây dựng hạ tầng mới, hoặc đầu tư theo hình thức xã hội hóa, liên kết.
“Hiện chúng tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị nhà trường đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo đó, phía doanh nghiệp đối tác sẽ sở hữu diện tích đất và đổi lại, họ sẽ xây dựng toàn bộ hạ tầng cơ sở cho nhà trường ở địa điểm mới. Đây là hình thức hợp tác hấp dẫn, nhưng chúng tôi cũng rất đắn đo, vì phía đối tác yêu cầu phải có quỹ đất sạch, nhưng hiện chúng tôi chưa có”, lãnh đạo một trường đại học thuộc nhóm di dời tiết lộ.
Chính vì yếu tố “mặt bằng sạch” này mà hiện nhiều trường đại học đang rơi vào thế kẹt. Điển hình là Dự án Đại học Quốc gia tại Láng - Hòa Lạc đã qua 10 năm, nhưng vẫn chưa thể triển khai; Đại học Y tế công cộng 5 năm không giải tỏa được đất, khiến nguồn viện trợ cho dự án bị hủy; Đại học Răng hàm mặt đã lập dự án xây dựng, nhưng 5-6 năm nay, vẫn chưa triển khai xong.
Ông Cao Kiên Cường (Học viện Hành chính quốc gia) đề xuất, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương xã hội hóa đối với những trường có quyết định di dời. Có thể giao các trường tự lên đề án xã hội hoá như huy động vốn, liên kết, hợp tác, được phép chuyển đổi công năng quỹ đất đang có để có kinh phí…
Cẩn trọng hơn, ông Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng cho biết, vấn đề này cũng cần phải được xem xét một cách thấu đáo và Chính phủ cần phải có đề án xã hội hóa một cách cụ thể bằng nhiều hình thức để giải quyết vấn đề này.